Mr.Olympia chọn người chiến thắng như thế nào ?
Sau một năm đại dịch Covid-19 hoành hành với rất nhiều show diễn thể hình bị bỏ lỡ, cuối cùng Mr.Olympia cũng sẽ khởi tranh vào ngày 16 tháng 12 năm 2020. Với tổng số tiền giải thưởng có thể lên tới một triệu đô la Mỹ cùng dàn lineup thí sinh đông đảo nhất trong lịch sử cuộc thi, đây có thể coi là một kì tích của những người điều hành Mr.Olympia. Như các bạn đã biết, chỉ có các vận động viên nam thi đấu ở hạng mục Open mới có thể nhận được chiếc cup Sandow danh giá và đặt tên mình vào đại sảnh danh vọng để sánh vai với các huyền thoại như Arnold, Ronnie Coleman hay Lee Hany.
Xem thêm: Series Lược sử Mr.Olympia qua các thời kì
Mr.Olympia 2020 trở nên hấp dẫn với sự trở lại "phục thù" của "The Gift" Phil Heath sau thất bại năm 2018, để đối đầu với "The Prodigy" Brandon Curry, nhà vô địch Mr.Olympia 2019 với nhiều tranh cãi cùng một dàn lineup thí sinh được coi là khủng khiếp nhất của Mr.Olympia và thể hình thế giới đương đại.
Trong bài viết này, Vincent xin chia sẻ với các bạn cách BGK cuộc thi Mr.Olympia chọn ra người chiến thắng. Đây cũng là tiêu chuẩn áp dụng cho hầu hết các cuộc thi thể hình trên thế giới. Tuy nhiên một điều các bạn cần lưu ý rằng, tiêu chuẩn chấm điểm này chỉ áp dụng cho các hạng mục thể hình (bodybuilding) như Open, 212, còn với các hạng mục như Classic Physique, Men's Physique hay Fitness, Bikini, Figure sẽ có những biến thể chấm điểm khác nhau.
Như các fan hâm mộ thể hình đỉnh cao đều đã biết, để thi đấu trong các show thể hình chuyên nghiệp thuộc các hệ thống liên đoàn, tổ chức thể hình như IFBB hay NABBA, một vận động viên nghiệp dư cần có Pro-Card nhờ chiến thắng các show diễn địa phương quy mô nhỏ để trở thành một pro-bodybuilder. Khi vận động viên thể hình thi đấu trên sân khấu họ cần có một hình thể với tiêu chuẩn pro-bodybuilder với các chỉ số như condition (độ sắc nét của cơ bắp), size hay mass (độ lớn của cơ bắp) kết hợp với trình diễn trên sân khấu (posing). (Xem thêm tại video bên dưới)
Các pro-bodybuilder sau khi đủ điều kiện tham gia Mr.Olympia sẽ trải qua vòng sơ khảo và được BGK phân loại thành các nhóm thí sinh để so sánh với nhau. Phần chấm thi đầu tiên này được gọi là Pre-judging (sơ khảo) thường sẽ quyết định chọn ra nhóm thí sinh Top 6 và ngoài Top 6. Theo truyền thống của Mr.Olympia, nhóm thí sinh được gọi lên sân khấu đầu tiên trình diễn và so sánh sẽ là nhóm thí sinh có khả năng giành ngôi Mr.Olympia nhất. Nhóm này được gọi là First Call-out. Trong hai ngày tổ chức của Mr.Olympia, sau ngày Pre-judging sẽ là ngày Final để BGK chấm thí sinh một lần nữa rồi quyết định và trao giải cho các vị trí trong Top 10 cho tới nhà vô địch Mr.Olympia. Cũng theo truyển thống, phần lớn người chiến thắng hoặc nổi bật tại Pre-juding sẽ chiến thắng chung cuộc tại Mr.Olympia nhưng cũng có trường hợp vào ngày Final, tình thế có thể đảo ngược.
Ban giám khảo (BGK) của các cuộc thi Mr.Olympia cũng như các cuộc thi thể hình thuộc IFBB thường có một chưởng BGK (Head Judge) và ít nhất 9 vị giám khảo thành viên. Giống như môn Golf, các thí sinh càng có ít điểm càng xếp ở vị trí cao và người chiến thắng chung cuộc là người có ít điểm nhất khi cộng cả hai phần Pre-judging và Final. Như các bạn thấy ở tấm hình bên dưới, Brandon Curry chiến thắng với số điểm chung cuộc là 14 so với người xếp thứ hai William Bonac với 21 điểm. Bảng chấm điểm chung cuộc (Final ScoreCard) này sẽ chỉ được công bố sau khi cuộc thi Mr.Olympia kết thúc.
Bảng chấm điểm chung khảo Mr.Olympia năm 2019
Vậy BGK Mr.Olympia chấm thi dựa theo tiêu chuẩn nào ?
Dù có thể không thích điều này nhưng các bạn cần biết rằng thể hình là một môn thi đấu mang tính chủ quan. BGK chấm điểm các thí sinh hoàn toàn dựa trên chủ quan của họ và dù rất nhiều trang tin phân tích cũng như bản thân IFBB và Mr.Olympia cũng đưa ra nhiều tiêu chuẩn nhưng việc chọn ra thí sinh chiến thắng ở các cuộc thi thể hình vẫn mang ít nhiều cảm tính và thường gây tranh cãi. (Bạn có thể xem thêm bài viết về 5 chiến thắng gây tranh cãi nhất tại Mr.Olympia trên chuyên mục cùng tên tại V-Aesthetics).
Tuy IFBB chưa bao giờ công bố hay thừa nhận cách chấm thi chính thức cho các cuộc thi thể hình của mình nhưng các chuyên gia và người hâm mộ đều đưa ra hai tiêu chuẩn so sánh để đánh giá các thí sinh khi họ trình diễn trên sân khấu.
Tiêu chuẩn 1: So sánh Total Physique
Các BGK sẽ dựa trên sự so sánh các thí sinh cùng call-out với nhau và phần thể hiện của từng thí sinh trên sân khấu thông qua các tiêu chuẩn.
1. Mass/Size a.k.a Muscle Developement: Kích thước và độ phát triển cơ bắp. Đây là một chỉ số mang tính đặc trưng của thể hình nhất là vào thời kì "Mass Monster" vì suy cho cùng, tập luyện thể hình vốn để phát triển cơ bắp tới giới hạn tối đa. Những Mass Monster như Ronnie Coleman, Markus Ruhl hay Big Ramy sau này luôn khiến khán giả trẩm trồ la lên khi họ xuất hiện với thân hình "quái vật" trên sân khấu.
Mr.Olymia Mass Monsters Era
2. Condition a.k.a Muscle Definition: Độ sắc nét của cơ bắp. Bạn chỉ to lớn như Lou Ferrigno thôi chưa đủ, bạn còn cần "khô đét" như Dorian Yates với lượng mỡ dưới 5%. Condition cũng được coi là chỉ số vua (Condition is King !) trong các cuộc thi thể hình bao gồm cả các yếu tố như vascularity (độ gân guốc), shreddedness (độ khô nét), muscle striation (các đường vân cơ) bên cạnh việc phát triển cơ bắp đầy đặn.
Hadi Choopan - People's Champion Olympia 2019 - Người có condition tốt nhất tại Mr.Olympia năm này
3. Symmetry: Tính cân đối. Từ thời kì sơ khai của Mr.Olympia cho đến thời kì vàng son Golden Era và kể cả thể hình hiện đại luôn coi trọng tính cân đối của một hình thể. Một hình thể đẹp như Flex Wheeler "Sultan of Symmetry" (Hoàng đế của sự cân đối) đã giành chiến thắng tới 4 lần tại các Arnold Classic và 3 lần Top 2 Mr.Olympia dù ngay cả trong thời kì các Mass Monster lên ngôi. Symmetry bao gồm sự cân đối từ trên xuống và cả hai bên của các phần cơ thể, các khối cơ và giữa các phần cơ thể với nhau (proportion). Nếu bạn có thân trên khủng khiếp nhưng đi kèm với một cặp chân gà tong teo hay cánh tay bên trái bạn quá nhỏ so với bên phải, bạn không có tính cân đối để chiến thắng.
"Sultan of Symmetry" Flex Wheeler - Mẫu vật thể hình của nhân loại
4. Performance: Trình diễn. Thể hình là bộ môn trình diễn cơ bắp trên sân khấu với các phần posing của từng thí sinh. Và từ thời Arnold cho tới những nghệ sĩ trình diễn cơ bắp như Bob Paris, Lee Labrada, Flex Wheeler hay Kai Greene sau này, những màn trình diễn luôn được đặc biệt các chú ý. Thậm chí các vận động viên Mr.Olympia đều có người hướng dẫn posing trước khi tham gia cuộc thi. Ngoài kĩ năng "múa cơ bắp" các yếu tố như tanning (độ nâu bóng của da) hay ánh đèn sân khấu cũng tạo ảnh hưởng không nhỏ tới vị trí xếp hạng của các cuộc thi. Ánh đèn cũng là yếu tố thường được mang ra mỉa mai các ngôi sao thể hình online khi những bức hình chụp đăng lên mạng xã hội của họ khác hoàn toàn khi họ cởi áo bước lên sân khấu các cuộc thi thể hình.
Instagram vs On-stage - Ngôi sao thể hình Online
"Nếu đứng dưới một ánh đèn không tốt, hình thể của bạn sẽ bị lu mờ".
Tiêu chuẩn 2: So sánh Pose to Pose
Cách chấm điểm này cũng là yêu cầu bắt buộc đối với các thí sinh tham gia Mr.Olympia và các cuộc thi thể hình. Đây cũng là gợi ý phổ biến cho các thí sinh tham gia. Các thí sinh tại Mr.Olympia đều phải trình diễn những pose dáng bắt buộc này khi đứng trên sân khấu để so sánh với các thí sinh khác.
1. Front Double Biceps: Trình diễn các cơ bắp tay trước, bụng, đùi, symmetry và flow hình thể nhìn từ phía trước. Thí sinh nào có bắp tay tròn đầy với phần eo nhỏ, bụng sáu múi chặt và phần xô lưng rộng tạo thành V-Taper, kết hợp với một phần đùi phát triển tốt sẽ có ưu thế lớn trong pose này. Đây là một pose gây ấn tượng đầu tiên cho BGK và khán giả.
Shawn Rhoden - Mr. Olympia 2018
2. Front Lat Spread: Trình diễn độ phát triển và cân đối của cơ ngực, cơ bụng, vai, xô lưng và đùi nhìn từ phía trước. Thí sinh nào có xô lưng cực kì rộng và phần bụng cắt nét, eo nhỏ V-Taper tốt hơn sẽ có ưu thế lớn.
Ronnie Coleman - 8x Mr.Olympia
3. Side Chest: Trình diễn độ phát triển của cơ ngực, cầu vai, bắp tay trước và phần đùi sau nhìn từ bên hông. Đây là một pose được gắn liền với Kẻ Hủy Diệt Arnold.
Arnold - 7x Mr.Olympia
4. Side Triceps: Trình diễn độ phát triển của cơ tay sau (triceps), cầu vai, ngực, phần bụng và phần đùi nhìn từ bên hông. Thể hình hiện đại với các quái thú cơ bắp thường phô diễn pose này ở một cấp độ chưa từng có.
Phil Heath - 7x Mr.Olympia (8x năm 2020 ???)
5. Back Double Biceps: Trình diễn độ phát triển của toàn bộ cơ thể nhìn từ phía sau (đôi tay, cầu vai, cơ thang(trap), xô lưng, V-Taper và phần mông và đùi sau (hamstring), bắp chân). Kể từ sau khi Rich Gaspari tạo ra tiêu chuẩn "striated glutes" với phần cơ mông xiết khô lộ rõ các đường vân cơ, đây cũng trở thành tiêu chuẩn của pose này. Pro-Bodybuilder thường phân biệt đẳng cấp bởi sự phát triển cơ bắp phần phía sau cơ thể do độ khó hơn nên đây được coi là một trong những pose quyết định xếp hạng khi so sánh các thí sinh với nhau. Hầu hết các Mr.Olympia với nhiều hơn 1 chiếc cúp Sandow danh giá đều có thế mạnh tại Pose này.
Bạn thử đoán xem đây là pose của ai ?
6. Back Lat Spread: Trình diễn độ phát triển của toàn bộ cơ thể nhìn từ phía sau nhưng nhấn mạnh vào độ rộng của phần xô lưng (Lat) và độ siết của phần lưng dưới. Samir Bannout (Mr.Olympia 1983) tạo ra tiêu chuẩn "Christmas Tree" với phần lưng dưới khô để tạo thành hình cây thông Noel khi thực hiện pose này.
Tấm lưng che khuất cả ánh sáng - Bạn có đoán được là ai ?
7. Abs & Thigh: Như tên gọi của nó, pose này trình diễn phần cơ bụng và cơ đùi. Đây là một pose thế mạnh của những vận động viên theo trào lưu classic và aesthetics bodybuilding. Các Mass Monster và thể hình hiện đại thường có điểm yếu ở pose này. Pose này cũng có vài phiên bản khác nhau và thường các vận động viên có eo nhỏ, bụng đẹp sẽ có điểm mạnh ở pose này tuy nhiên đây không phải một pose quá khắt khe trong Mr.Olympia.
Shawn Ray - Vô địch Arnold Classic 1991 và 5 lần Top 3 Mr.Olympia
8. Favourite Most Muscular: Đây là pose chỉ có ở hạng mục Open và 212 dành cho nam tại Mr.Olympia, hai hạng mục danh giá nhất của thể hình thế giới. Như tên gọi của nó, ở pose này, các pro-bodybuilder phô diễn hết sự "khủng khiếp" của tất cả những cơ bắp phần phía trước cơ thể của họ. Có nhiều biến thể khác nhau để thực hiện pose này và thường các thí sinh sẽ chọn cách pose để thể hiện sự phát triển cơ bắp tốt nhất của họ. Các thí sinh có phần cơ thang (trap) không đồ sộ thường trọn cách thứ nhất (Hình bên trái) khi thực hiện pose này. Còn nếu bạn có cơ bắp khủng khiếp ở mọi chỗ như Jay Cutler, bạn không hề ngại pose này và có thể thực hiện bất cứ tư thế nào vẫn đỉnh cao.
Jay Cutler - 4x Mr.Olympia
Vậy BGK Mr.Olympia lựa chọn cách chấm thi dựa theo tiêu chuẩn nào ?
Như đã nói ở trên, thể hình là một bộ môn mang tính chủ quan và trong lịch sử 55 năm của mình, BGK Mr.Olympia chưa bao giờ chính thức công bố cách thức họ chấm thi. Có thể dựa theo total physique cũng có thể dựa theo pose by pose hết hợp với phần posing cá nhân. Điều này cũng từng gây ra rất nhiều tranh cãi như Phil Heath thất bại trước Shawn Rhoden năm 2018 hay Arnold vượt qua Lou Ferrigno vào năm 1975. Tuy nhiên cũng chính điều này tạo nên một sự hấp dẫn và sôi nổi cho riêng bộ môn thể hình vì xét cho cùng bodybuilding vẫn là một bộ môn trình diễn cơ bắp và các vận động viên đều phải trải qua quá trình tập luyện và ăn kiêng vô cùng cực khổ và gian nan để có thể một lần đặt chân lên sàn đấu Mr.Olympia danh giá.
Cuộc thi Mr.Olympia 2020 sắp diễn ra, bạn dự đoán ai sẽ chiến thắng ? Liệu Brandon Curry sẽ bảo vệ thành công ngôi vương hay Phil Heath sẽ làm được điều mà "The Iron" Jay Cutler làm được năm 2009 - phục vị thành công hay Mr.Olympia Đệ Thập Lục sẽ xuất hiện?
Xem thêm: Dự đoán Top 7 Mr.Olympia 2020