top of page

3 điều hiểu lầm về Fitness trên mạng xã hội

Fitness không phải một môn thể thao hay một danh hiệu nghe có vẻ thời thượng để gắn vào tên của những cá nhân làm nội dung về tập luyện cơ bắp. Phải mất rất nhiều năm với việc nghiên cứu và tập luyện, thực hành trong thực tế, các bạn mới có thể hiểu được những khái niệm căn bản về fitness. Và để tự nhận mình có tư cách hướng dẫn, huấn luyện về fitness hay fitness lifestyle, quả thật cần tốn rất nhiều công sức, tiền bạc về thời gian.   Trong series blog về Fitness căn bản này, Vincent xin làm rõ với các bạn, đặc biệt là các bạn trẻ 3 vấn đề hiểu lầm về fitness trên mạng xã hội để các bạn có thể hiểu thêm và tự tin với bản thân hơn.  Fitness vs Thể hình Ở Việt Nam trước kia có diễn đàn thể hình rất nổi tiếng là webthehinh và bản thân Vincent cũng từng sinh hoạt rất sôi nổi trong đó. Đây là kênh nội dung mang lại nhiều ích lợi khi chia sẻ  các bài kiến thức về cơ bắp, tập luyện. Thậm chí tại đây, anh em đội ngũ tâm huyết còn phát triển lên những ứng dụng tính BMI (BMI Calculator), Body Calculator và cả RepMax Calculator mang lại những kiến thức cơ bản cho những anh em muốn theo đuổi sự nghiệp cơ bắp. Và một điều đáng quý ở webthehinh nằm ở định hướng rõ ràng về chuyên môn.   Về sau, khi tập luyện cơ bắp trở thành trào lưu cho giới trẻ và sự phát triển của mạng xã hội, internet đã dẫn tới sự lên ngôi của hai chữ "Fitness" trong cộng đồng "đổ mồ hôi". Những khái niệm như idol, aesthetics...đã choán chỗ và trở thành trào lưu hot. Và tất nhiên trong thời đại chạy theo trào lưu để bán hàng này, cái gì hot sẽ dễ được tìm kiếm nên khi gắn vào danh hiệu của bản thân sẽ "hợp thời" hơn. Tuy nhiên một điều đáng nói rằng dù Fitness có lên ngôi trên mạng xã hội hay thể hình có phần trầm lắng hơn, hai khái niệm này luôn bị nhầm lẫn.  Nói đúng hơn Fitness được dùng như một sự chống chế cho những cá nhân tập luyện cơ bắp nhưng không thi đấu hoặc thi đấu bết bát. Cũng giống như việc "chân gà tong teo" "trên to dưới bé" thường được đổ cho rằng đang tập theo hạng cân Men's Physique, những điều này hoàn toàn không đúng.  Fitness không phải thể hình và cũng không phải hạng nhẹ hơn của thể hình. Dù trong cơ cấu thi đấu của tuần lễ Mr.Olympia, cuộc thi thể hình lớn nhất thế giới, vẫn có nội dung thi đấu mang tên Fitness tuy nhiên tên hạng mục này khác hẳn hoàn toàn với khái niệm Fitness ở ngoài cuộc sống.  Hiểu một cách đơn giản, Tập luyện Fitness là tập luyện để nâng cao sức khỏe, tận hưởng cuộc sống hàng ngày còn thể hình (bodybuilding), dù là hạng cân mang tính người mẫu như Men's Physique vẫn là tập luyện để có cơ bắp phát triển nhất có thể trong hạng mục và đi thi đấu nhằm giành giải thưởng. Và như đã nói ở nhiều bài viết cùng video trước, những vận động viên thi đấu thể hình dù ở bất cứ hạng cân nào, trong quá trình thi đấu, họ đều ở trạng thái không khỏe mạnh. Còn nếu ai đó vẫn khăng khăng với bạn, dưới 10% lượng mỡ cơ thể là trạng thái khỏe mạnh, hãy giữ những đứa trẻ tránh xa anh ta và để giành tiền đi thăm viện khi cần thiết !  "Fake" Fitness KOL - Những chuyên gia Fitness "F1" Dù một thực tế đáng buồn rằng hầu hết các cá nhân làm nội dung online về Fitness trên mạng xã hội từ Youtube, Facebook đến Instagram tại Việt Nam hầu hết không phải PT được đào tạo bài bản hay có chứng chỉ nhưng một điều đáng trách hơn nữa nằm ở việc các kiến thức mà những chuyên gia "Hàng Fake" này truyền tải. Không chỉ mạnh miệng về giải phẫu và nội tiết, nhiều gymer sẵn sàng huấn luyện dinh dưỡng, sẵn sàng chia sẻ về bệnh tim, gan, thận và tất cả các loại bệnh miễn là nó liên quan tới supplement. Nhưng chắc các bạn đã biết trong bài viết về một PT, Fitness coach Vincent đã chia sẻ, những điều được chia sẻ mới dừng ở mức thông tin hoặc tin tức chứ chưa phải kiến thức chuyên môn.  Bạn chắc hẳn sẽ từng nhìn thấy, lướt thấy hay xem thấy những nội dung như "Cách dùng supplement chuẩn khoa học", "Giáo án tăng cơ giảm mỡ" và hàng loạt những lời chào mời hay các tựa video, bài viết với nhiều từ ngữ khoa trương như vậy trên mạng xã hội từ những anh chàng 6 múi. Cũng như việc nhiều anh chàng thừa nhận trong video trước về việc mình dùng steroids để đạt được thân hình vạm vỡ như hiện tại nhưng sau đó lại làm video về cách tăng testosterone một cách tự nhiên, điều này thật "sai trái". Có một câu châm ngôn kinh điển trong ngành Fitness như sau: "Doctor doesn't train" từng được giới chuyên gia Fitness dùng như một sự mỉa mai cho việc các các bác sĩ không hiểu biết nhiều về tập luyện cũng như các kiến thức liên quan tới Fitness. Khác với trị bệnh khi chỉ cần tìm ra nguyên nhân và có phương thức hoặc cách thức đúng, các bác sĩ có thể trị dứt hoặc cải thiện tình trạng bệnh, Fitness phức tạp hơn như vậy. Và bạn thử đặt câu hỏi xem, với sự phức tạp như thế, những cá nhân chưa từng được đào tạo qua hay nhận chứng chỉ từ một đơn vị uy tín, liệu có hiểu rõ điều mình đang nói? Google là kênh thu thập dữ liệu tin tức dựa trên từ khóa từ hàng triệu website, Wikipedia là kênh tham khảo tin tức dựa trên đóng góp của người dùng, còn Bodybuilding.com vốn là một trang thương mại điện tử mà nội dung hữu ích đang ngày càng ít đi hoặc bị điểu hướng có lợi cho việc bán hàng.  Giống như việc một sinh viên ở Anh qua nghiên cứu khảo sát vài chục người đàn ông cho thấy rằng đàn ông có xu hướng thân thiết với nhau lâu hơn với phụ nữ. Bạn không thể tin những kết luận nghe có vẻ khoa học và to tát ấy là đúng. Nhất là khi nó lại được khẳng định một cách như đinh đóng cột từ những anh chàng hay cô nàng vốn chẳng có kiến thức cơ bản về fitness ?  Fitness Lifestyle và Tập gym Fitness không phải tập tạ hùng hục hàng giờ hàng năm trong những phòng tập đầy mồ hôi và tiếng thở mạnh nhiều khi kèm theo rên rỉ. Bản thân của ngành công nghiệp fitness đã tạo ra nhiều trò lố dẫn tới sai lầm này ở trên thế giới nhưng ở Việt Nam hiện tại, điều này được đẩy lên thành khái niệm. Nhưng thực tế không phải như vậy. Như đã nói ở trên Fitness không phải thể hình và cũng không phải tập luyện để có cơ bắp phát triển một cách đồ sộ, khác thường. Nếu huấn luyện Fitness cho bạn, thay vì hướng dẫn bạn tập luyện để cho cơ bắp to lên, những Fitness coach, Fitness PT như Vincent sẽ giúp bạn trở nên khỏe mạnh hơn nhưng ít đồ sộ hơn. (Get stronger without getting bigger !). Tất nhiên những người yêu thích fitness hoàn toàn có thể tập luyện theo phong cách của thể hình để nhìn cơ bắp hơn do sở thích, quan niệm về vẻ đẹp hình thể nhất định nào đó hay có một mục tiêu ngắn hạn (như chụp hình bãi biển chẳng hạn :))). Nhưng Fitness Lifestyle không dừng lại ở tập luyện nên điều này cũng không có ý nghĩa nhiều. Điều cuối cùng, thực tế nếu xét theo góc độ huấn luyện chuyên nghiệp, phòng tạ là nơi khó giúp bạn đạt được trạng thái Fitness tốt nhất. Việc này có thể khái quát ở một câu "Ở phòng tạ chỉ có nỗi đau và sự đè nặng". Tất nhiên nhiều người có thể chống chế lại rằng, ở phòng gym cũng có thể tập luyện các môn khác như calisthenics, cross training, boxing, chạy bộ... Để đạt được và giữ vững trạng thái fitness, bạn cần tập luyện một cách dễ dàng, mọi lúc mọi nơi. Một đường chạy bộ rộng rãi với nhiều cây xanh ở công viên sẽ dễ dàng và tiện lợi hơn chiếc máy treadmill đắt tiền và tạo ra sức ép rất lớn lên các khớp chân. Hay bạn sẽ yêu thích việc tự kỉ vật lộn với hàng chục kg tạ sắt tại một căn phòng chật chội hơn việc cùng bạn bè chơi môn thể thao yêu thích ? Chắn hẳn các tín đồ "vác sắt" đều từng trải qua cảm giác lười tập, mất tinh thần tập luyện tại phòng gym. Vì đơn giản, cơ thể và tinh thần bạn tự kháng cự với điều đó.

3 điều hiểu lầm về Fitness trên mạng xã hội
bottom of page