TPBS: Tìm mua trong chạng vạng
Chạng vạng ám chỉ khoảnh khắc giao tranh sáng tối. Khi tìm mua một sản phẩm TPBS, tình trạng "nhá nhem" không rõ ràng về thành phần và hiệu quả thực tế luôn khiến bạn gặp khó trong lựa chọn. Ở những bài viết trước, Vincent đã trình bày về Mặt tối của Supplement (TPBS) và cả lí do tại sao bạn không nên Stacking TPBS khi chưa hiểu rõ. Việc hiểu rõ những khái niệm và cách tiếp cận thực phẩm bổ sung rất quan trọng với những bạn theo đuổi con đường nâng cao sức khỏe, hình thể, và quan trọng hơn duy trì những điều trên. Bài blog này sẽ hướng dẫn các bạn gymer* hiểu rõ để có cách tiếp cận và lựa chọn TPBS đúng đắn. ( * Gymer vốn không có trong từ điển tiếng Anh nhưng được dân tập gym, thể hình tại VN sử dụng rộng rãi. Vincent thấy từ này rất hay và sẽ sử dụng nó để mang lại sự dễ hiểu, quen thuộc cho các bài blog, video) Cũng phải nói thêm TPBS dành cho giới tập gym, thể hình (Bodybuilding Supplement) chỉ thuộc hạng mục giá rẻ, cấp thấp và chỉ chiếm một phần nhỏ trong nền công nghiệp TPBS toàn cầu. 1 viên TPBS Vitamin có giá chưa tới 5,000 VND còn thua 1 thanh kẹo mút hay 1 muỗng whey protein còn thua 1 cây kem Wall. Nên không có chuyện đây là sản phẩm hạng sang, tân tiến hay được ưa chuộng bởi toàn thế giới như cái cách phản pháo yếu ớt và "lí sự cùn" của nhiều người bán hàng thiếu hiểu biết. 1. FDA vs Supplement Nhiều bạn vẫn hiểu nhầm rằng TPBS muốn bán ra đều được FDA chứng nhận về chất lượng. Thực tế không phải vậy. FDA Hoa Kì không chứng nhận cho bất cứ công ty, loại TPBS, hỗn hợp thuốc, mỹ phẩm, hay thức ăn nào ! (Xem link gốc FDA tại đây ) Dù rất nhiều sản phẩm gắn chữ FDA vào nhãn hiệu nhưng đó chắc chắn mang ý nghĩa đánh lạc hướng hoặc cố tình lừa đảo. Về mặt luật pháp, bạn hoàn toàn có thể gắn ba chữ cái FDA này vào bất cứ sản phẩm nào vì FDA chỉ là chữ viết tắt, kí hiệu chứ không mặc định mang ý nghĩa Cơ quan kiểm soát Thực phẩm và Thuốc. Chỉ cần bạn không dùng đúng logo được bảo hộ bỡi FDA. Cũng giống như việc người ta có thể gắn hai chữ Fat Burner vào bất cứ sản phẩm nào dành cho việc giảm cân kể cả thuốc giảm cân được FDA chấp thuận . Đáng tiếc, vẫn rất nhiều người tin vào ba chữ cái này, đặc biệt tại Việt Nam với tư duy hàng từ Mỹ về mặc định tốt, mặc định được chứng nhận. Và vẫn còn rất nhiều người "gào lên" kiểu TPBS là tân tiến, không dùng TPBS sẽ không có body đẹp. Thêm vào đó, thị trường Việt Nam cũng hay bị nhầm lẫn hai từ "chứng nhận" và "chấp thuận". Chấp thuận để cho phép bán không đồng nghĩa với chứng nhận về tác dụng hay độ an toàn khi sử dụng lâu dài. Hãy nhớ với TPBS và thức ăn, dù không được FDA chấp thuận, Bia rượu, thuốc lá... vẫn được cho phép bán. Tất nhiên vẫn có những loại sản phẩm TPBS được chấp thuận để bán ra ở từng thị trường, phụ thuộc vào cơ cấu quản lý của từng quốc gia. Những sản phẩm Thảo dược ba đời chẳng hạn. Nhưng không phải thứ gì từ thiên nhiên đều tốt và được cấp phép không có nghĩa được chứng nhận. (Bây giờ bạn đã biết sản phẩm thảo dược thiên nhiên nói tới ở đầu bài blog là gì chưa ?) Theo định nghĩa ban đầu năm 1938, thực phẩm bổ sung vốn chỉ các chất thiết yếu để bổ sung như vitamin và chất khoáng. Vào những năm 1970, FDA Hoa Kì đã từng cố gắng giữ định nghĩa hạn chế này nhằm kiểm soát tốt hơn đối với loại sản phẩm rất khó phân biệt như TPBS. Tuy nhiên tới năm 1994, bất chấp những khuyến nghị từ phía FDA, Đạo luật giáo dục và sức khỏe về Thực phẩm bổ sung (Dietary Supplement Health and Education Act of 1994(DSHEA)) đã được thông qua và biến độ an toàn của TPBS trở thành vấn đề được quy định, nêu rõ yêu cầu chấp thuận với các văn bản từ bên thứ ba và các quy định về dán nhãn. Theo DSHEA, thực phẩm chức năng được coi là thực phẩm, ngoại trừ các mục đích thuộc định nghĩa về thuốc. Mới nghe có vẻ hay nhưng thực chất đạo luật này đã loại bỏ quyền kiểm soát chất lượng của FDA với TPBS và mang tới những lỗ hổng rất lớn với những quy định cứng nhắc kiểu như TPBS phải được dán nhãn là thực phẩm bổ sung và không được bán như thức ăn thông thường, thực phẩm y tế, chất bảo quan hoặc thuốc điều trị. Quan trọng hơn, vì được xếp vào nhóm thực phẩm, không phải thuốc, những sản phẩm này không cần sự chấp thuận của chính phủ để sản xuất hoặc bán ra; nhà sản xuất xác nhận sự an toàn của TPBS nhưng chính phủ thì không; và thay vì yêu cầu phân tích rủi ro-lợi ích (hiệu quả) để chứng minh rằng sản phẩm có thể được bán như cách làm dành cho các loại thuốc, FDA chỉ có thể đưa ra kiến nghị rằng một loại thực phẩm bổ sung là không an toàn và cần được loại bỏ khỏi thị trường. Còn những việc còn lại, dựa vào các vấn đề luật pháp rất rắc rối. Các bạn phải biết, trước khi bị phát hiện có độc, các sản phẩm này đều đã đến tay người tiêu dùng trong nhiều năm liền. Trong đó nhiều nhóm thực phẩm thường gây ra các vụ ngộ độc gan, thận và ảnh hưởng tới tiêu hóa. Để hạn chế việc này, năm 2007, FDA thiết lập các tiêu chuẩn Quy trình sản xuất tốt (Good Manufacturing Practices (GMP)) để đưa ra những hướng dẫn về các yêu cầu cần thiết cho các dây chuyền sản xuất TPBS. Nhưng bản thân FDA không có chức năng để thực thi việc xử lý các sai phạm. FDA có thể đến thăm các cơ sở sản xuất, gửi Thư cảnh báo nếu không tuân thủ GMP, bắt ngừng sản xuất và nếu có rủi ro về sức khỏe, yêu cầu công ty tiến hành thu hồi. Chỉ sau khi một sản phẩm TPBS được bán trên thị trường, Trung tâm An toàn Thực phẩm và Dinh dưỡng Ứng dụng của FDA (CFSAN) mới có thể xem xét các sản phẩm đó về độ an toàn và hiệu quả. Tại Mỹ, tại thời điểm của bài blog này, chỉ có 3 tổ chức uy tín bên thứ ba đứng ra chứng nhận TPBS là Quỹ vệ sinh Quốc gia ( NSF ) , Dược điển Hoa Kì ( USP ) và ConsumerLab.com . Tuy nhiên, bạn cũng cần biết rằng, chỉ có 5% số sản phẩm TPBS có được chứng nhận chất lượng từ các đơn vị này. Bạn có thể dùng dữ liệu từ các thư cảnh báo của FDA , danh sách công ty được chứng nhận bởi NSF ( tại đây ), danh sách sản phẩm và cửa hàng được USP chứng nhận ( tại đây ) hoặc danh sách thương hiệu sản phẩm được kiểm tra và xác nhận từ ConsumerLab ( tại đây ). Và tất nhiên, bạn cần lưu ý rằng, những điều trên chỉ được áp dụng tại thị trường Mỹ và sản phẩm bán ra tại Mỹ có thể sẽ khác sản phẩm bán ra tại Việt Nam. Để chọn mua được sản phẩm TPBS đúng mục tiêu nhằm cải thiện sức khỏe, nâng cao ngoại hình, bạn cần biết cách phân biệt thật giả, tốt xấu. Tuy nhiên cũng như chuyện giá whey protein được cố tình đánh cao lên nhằm dụ dỗ những người có ý nghĩ cứ đắt tiền sẽ tốt, giá thành không phải yếu tố quyết định. Hàng tốt có thể giá sẽ cao nhưng sản phẩm giá cao chưa chắc đã tốt. Tất cả nằm ở hai chữ CÓ THỂ làm gì cho bạn và có PHÙ HỢP không. Khi nhìn thấy quảng cáo về một loại TPBS có gắn chữ FDA, hãy report bài viết đó ngay ! 2. Không phải thuốc nhưng được quảng cáo với tác dụng hơn cả thuốc Mục tiêu thực tế của TPBS để bán hàng và do vậy hướng tới đối tượng khách hàng mục tiêu. Các nhà sản xuất nắm bắt rất kỹ nhu cầu và tâm lý của nhóm đối tượng họ hướng tới. Không phải thuốc nhưng được quảng bá với ám chỉ có tác dụng như thuốc, thậm chí hơn, chính là một yếu tố đánh lận con đen như vậy. Bạn đã bao giờ nghe về các loại TPBS T-Booster có tác dụng tăng cường Testosterone nhưng không phải steroid chưa ? Bạn đã bao giờ mua một lọ sâm thảo dược hỗ trợ sinh lý nam với ý nghĩ mặc định sẽ giúp trị hết bệnh yếu sinh lý, xuất tinh sớm của mình hay chưa ? Thậm chí mới đây, Shaquille O'Neal, một vận động viên NBA đình đám còn quảng bá những sản phẩm TPBS giúp bạn có thể tăng tới 682% Growth Hormone và cả T-Booster giúp bạn tăng Testosterone tới 42% một cách hoàn toàn tự nhiên. Trong khi nếu bạn dùng MK-677, một loại thuốc được kê đơn bởi nhiều phòng khám để trị trứng thiếu hụt GH và Testosterone cũng không mang tới hiệu quả như thế. Chắc chắn các bạn đã từng nghe tới những loại TPBS thảo dược nào đó giúp ngăn ngừa lão hóa, ung thư. Nhưng cho đến nay, ngay cả những liệu pháp y khoa tiên tiến nhất, tốn kém nhất cũng chưa làm được những điều trên. Vậy nhưng đa phần mọi người lại đi mua những viên con nhộng trị giá vài nghìn đồng với mong muốn làm được những điều to lớn trên. Chẳng phải bạn tìm mua những TPBS này với suy nghĩ bị ám thị rằng chúng còn hiệu quả hơn những liệu pháp y khoa hay sao ? Khi gặp một sản phẩm quảng cáo để hỗ trợ điều trị vấn đề gì đó, hãy cẩn trọng. TPBS chỉ dùng để bổ sung sự thiếu hụt về dinh dưỡng, một cách tiện lợi, và hỗ trợ cải thiện một số tình trạng sức khỏe đến từ sự thiếu hụt này. 3. Đối tượng nghiên cứu và sử dụng Có thể bạn chưa biết, 90% TPBS hầu hết được nghiên cứu nhằm hỗ trợ việc phục hồi hoặc điều trị cho các tình trạng bệnh chứ không nhằm mục đích xây dựng cơ bắp hay đập phá đám tạ sắt tại phòng gym. Như L-Glutamine có thể giúp cứu sống những người bị phỏng nặng trong các vụ hỏa hoạn nhờ vào việc giúp họ phục hồi lượng cơ bắp bị "thiêu rụi". (Glutamic Acid là thành phần lớn nhất trong cơ bắp). Nhưng tất nhiên, một gymer "điên cuồng" tại phòng gym không phải một bệnh nhân bị bỏng nặng. Đối tượng được nghiên cứu hoàn toàn khác xa đối tượng sử dụng thực tế. Một vấn đề khác nữa là cách dùng TPBS trong nghiên cứu cũng có nhiều điều nhập nhằng. Hay như BCAA , một loại TPBS được quảng cáo làm tăng quá trình tổng hợp cơ bắp lên tới 30%, vốn được nghiên cứu ở dạng dung dịch được truyền cho những con chuột trong phòng thí nghiệm. (Link gốc tại đây ). Nhưng khi quảng bá về hiệu quả của sản phẩm, các nhà sản xuất thường không công bố đầy đủ các chi tiết về đối tượng nghiên cứu và công thức TPBS được sử dụng. Thực tế, số lượng rất lớn các nghiên cứu TPBS được tài trợ bởi chính các công ty sản xuất loại TPBS đó hoặc, một nhà nghiên cứu, trong trường hợp của HMB, Ribose và ZMA , cũng chính là người bán những sản phẩm này. Chưa nói tới việc điều hướng thông tin sai lệch, đối tượng nghiên cứu và cách thức sử dụng TPBS trong nghiên cứu cho thấy sự không rõ ràng. Nhưng đa phần, với những loại TPBS thuộc nhóm bổ sung dinh dưỡng thiếu hụt, ít có khi nào có các đơn vị thứ 3 đứng ta làm nghiên cứu để kiểm tra, xác thực các tuyên bố về hiệu quả. Thêm vào đó, với những tín đồ phòng gym, một sự thực rằng, khi bạn mới tập (newbie), tác dụng của TPBS lên bạn sẽ mạnh hơn và mang lại hiệu quả rõ rệt hơn. Khi mới tập, mọi cơ chế trong cơ thể phục vụ cho việc thích nghi với sự thay đổi trong đời sống với chế độ tập luyện, dinh dưỡng và cả lifestyle mới. Còn sau đó, hiệu ứng người mới này sẽ giảm sút. Kể cả với cà phê, một loại thức uống quen thuộc, khi dùng để phục vụ mục đích tập luyện, cơ thể chúng ta cũng dần quen với hiệu ứng kích thích từ caffeine. Việc của bạn là xác định rõ mình là ai và chọn lựa đúng loại TPBS phù hợp với hiện trạng của mình. Nếu nghiên cứu trên đối tượng phù hợp về độ tuổi, thể trạng, trình độ tập luyện và dùng đúng sản phẩm TPBS bạn đang tìm mua và cho thấy kết quả cải thiện vấn đề bạn đang gặp phải, hãy lựa chọn. (Xem thêm: 4 loại TPBS tốt nhất để xây dựng cơ bắp ) 4. Liều lượng lập lờ Cũng như việc không ăn đủ lượng protein cần thiết, bạn sẽ không thể tăng cơ bắp, một loại TPBS với liều lượng ít, không đủ mang lại hiệu quả như nó nhắm tới. Theo nhiều nghiên cứu, L-Arginine có thể làm tăng cường việc sản xuất Growth Hormone (GH) ở những người đàn ông khỏe mạnh. Thông tin về đối tượng nghiên cứu được công bố có thể khiến những người đàn ông trên 30 tuổi, thừa cân, béo phì vui mừng vì tăng GH sẽ có thể dẫn tới tăng Testosterone. Nhưng các nhà khoa học đã sử dụng một lượng lên tới 13g L-Arginine kết hợp với một liệu trình để nghiên cứu trong thời gian chỉ có 2 tuần để có kết quả trên. Thời gian ngắn như vậy đảm bảo sự an toàn, kiểm soát các biến cố cho những người được nghiên cứu. Nhưng khi bán ra cho hàng triệu các bạn gymer, một viên uống TPBS Arginine chỉ khoảng 1g. Bạn có thể hỏi, vậy tại sao không tăng liều lượng dùng TPBS lên ? Điều này rất nguy hiểm vì khác với điều kiện kiểm soát và theo dõi chặt chẽ từ các chuyên gia trong phòng thí nghiệm, bạn có thể gặp phản ứng phụ khi không làm theo khuyến cáo. (Cảnh báo: Không nên tùy tiện tăng liều sử dụng bất cứ loại TPBS nào !) Hay một ví dụ kinh điển như nghiên cứu về tác dụng của dầu cá Omega-3 với tập luyện ở các vận động viên thường dùng ở mức 3g, Omega-3 nhưng các hũ TPBS Omega-3 bán ra bên ngoài chỉ có hàm lượng Omega-3 ở mức 1g. Và cũng không biết tỷ lệ DHA, EPA trong đó như thế nào. Liều lượng luôn rất quan trọng, kể cả với thức ăn, đặc biệt khi gắn liền với một hiệu quả liên quan đến sức khỏe hay hình thể. Tất nhiên dù bán với liều lượng thấp hơn, nhưng kết quả được quảng bá vẫn sẽ trích nguyên từ một nghiên cứu nào đó theo kiểu "Theo một nghiên cứu tại Mỹ năm 20xx, trên 100 người đàn ông có tập luyện thể thao, khi dùng chất ABC cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong chuyện phục hồi, tăng trường cơ bắp...". Khi lựa chọn TPBS, hãy chú ý đến liều lượng. Trong nhiều trường hợp, chính việc này sẽ giúp bạn loại bớt những ảo tưởng và tiết kiệm tiền bạc cho những sản phẩm chắc chắn sẽ không có hiệu quả gì. 5. Tác động hai chiều Thiếu Testosterone có thể dẫn tới thừa cân nhưng không phải những người thừa cân sẽ thiếu Testosterone. Không có hiệu ứng hai chiều giữa hai vấn đề này. Do rào cản về ngôn ngữ và cả các vấn đề kiến thức, "sự thiếu hụt" mang tính bệnh lý rất hay bị hiểu lầm với "tình trạng giảm sút", mang tính triệu chứng. TPBS hay bị lẫn lộn nhiều nhất, dù vô tình hay cố ý, chính là nhóm T - Booster. Khi bạn bị thiếu hụt Kẽm, vitamin D lâu dài chẳng hạn, quá trình sản xuất Testosterone của bạn sẽ bị ảnh hưởng sẽ dẫn tới bạn có thể sẽ bị "giảm sút" Testosterone. Việc bổ sung thêm Vitamin D, Kẽm...chỉ làm cho quá trình sản xuất Testosterone trở lại bình thường. Còn việc bổ sung thêm nhiều Vitamin D, Kẽm... hơn mức cần thiết không tạo ra bất cứ sự tăng trưởng nào, vì chúng chỉ là một trong rất nhiều yếu bổ sung trong cả quá trình sản xuất tại "hai hòn bi" của bạn ! (Cân bằng nội môi (homeostasis) quyết định hết các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể !) Phần này còn được thúc đẩy bởi chính những anh chàng "bro-science" nhiệt tình lan truyền điều họ cho là hiểu đúng khắp mọi nơi. Không có ai bán hàng tốt hơn khi có một người có kinh nghiệm hơn, từng dùng lại tin chắc về hiệu quả của sản phẩm và truyền tai cho bạn. (Bro-science dịch sát nghĩa chính là khoa học từ thằng bạn !) Để hạn chế điều này, bạn cần hiểu rõ cơ chế của TPBS và hiệu quả nó mang lại có liên quan với nhau hay không. Xét về mặt tác động, sẽ có hai phần trực tiếp và gián tiếp chứ không có hiệu ứng hai chiều theo kiểu suy diễn lập lờ như trên. Nếu TPBS chỉ đóng vai phụ hay vai quần chúng trong cả quá trình nó tác động đến, tác dụng thực tế của nó chắc chắn sẽ không lớn ! Hãy loại bỏ tác động hai chiều theo kiểu tự suy diễn. Nếu một TPBS có thể giúp đốt mỡ chẳng hạn, nó sẽ phải thể hiện rõ nguyên lý tác động trực tiếp hay gián tiếp đến quá trình cơ thể sử dụng mỡ làm năng lượng. Nếu chỉ gián tiếp, nó sẽ không được gọi là Fat Burner . Còn nếu tác động trực tiếp, bạn sẽ cần tìm hiểu rõ liều lượng, đối tượng và cơ chế của những sản phẩm này. 6. Hiệu ứng giả dược và hiệu quả thực tế Khi bạn tin rằng bạn có thể làm điều gì đó, bạn sẽ làm được nó với 200% hiệu suất ! Như ở trên có nói về Ribose, một loại TPBS từng được quảng bá sẽ giúp bạn tăng sức bền mạnh mẽ. Hiệu ứng giả dược của những lời quảng cáo đã khiến rất nhiều người cảm thấy họ chạy bền hơn, hoàn thành việc luyện tập tốt hơn. Như việc TPBS Carnitine được quảng bá tăng cường khả năng "đốt mỡ" khi tập luyện, sẽ khiến bạn có niềm tin và tập luyện hăng say hơn. Còn thực tế, hiệu quả của Carnitine là không rõ ràng vì khi cơ thể bạn cần năng lượng, cơ thể sẽ tận dụng mọi nguồn nhiên liệu có sẵn trước và nhanh nhất. Để hạn chế hiệu ứng giả dược, khi tìm đến một TPBS, hãy tìm hiểu rõ xem hiệu quả TPBS đó mang lại có định lượng rõ ràng hay không. Trong tất cả các nghiên cứu, đều sẽ ghi rõ về hiệu quả tăng cường hay hỗ trợ của TPBS dưới các con số rõ ràng về %, về hiệu suất (tăng lên bao nhiêu Rep chẳng hạn), về con số... (Như việc sử dụng caffeine chỉ làm chúng ta đốt thêm 15kcal). Thêm vào đó, hiệu quả của TPBS đối với sức khỏe hay hình thể, cũng chỉ đến từ việc cải thiện sức khỏe tổng thể và lâu dài. Việc tăng cấp tính một khía cạnh nào đó không mang lại lợi ích gì. Ví dụ như trường hợp của L-Arginine ở trên, theo nghiên cứu, có thể tăng GH trong giai đoạn ngắn nhưng thực chất những người được nghiên cứu không hề tập luyện. Và khi so sánh thực tế, việc tập luyện còn giúp tăng GH gấp 2-3 lần so với dùng L-Arginine. Chưa kế tăng GH cấp tính không hề mang lại bao nhiêu lợi ích vì cơ thể chúng ta, vốn cần duy trì cân bằng nội môi, không cần thiết phải dùng lượng tăng lên này làm gì cả. Cũng giống như sex, cũng làm tăng các hormone sinh dục như Testosterone, nhưng bạn không nhận được bất cứ lợi ích về sức khỏe hay cơ bắp từ việc này. Khi xét đến hiệu quả của TPBS, cần loại bỏ hiệu ứng giả dược và xét đến yếu tố lâu dài. Nếu một sản phẩm mang lại hiệu quả cho bạn, hiệu quả đó sẽ cần đánh giá cụ thể trong một chương trình nâng cao sức khỏe hay thay đổi hình thể thay vì một hai tuần đầu sử dụng với đầy sự hào hứng. 7. Chu kì On/off Bạn có nên ăn gà rán, khoai tây chiên 365 ngày 1 năm hay không ? Bạn có nên sử dụng Creatine quanh năm không ? Câu trả lời cho cả hai câu hỏi trên sẽ giống nhau: KHÔNG ! Thông thường với các TPBS thuộc nhóm Food supplement như Whey protein, bạn có thể sử dụng lâu dài dù các chuyên gia dinh dưỡng chắc chắn không khuyến khích bạn làm vậy. Hệ thống tiêu hóa quyết định sức khỏe và cả tinh thần của chúng ta. Vì vậy, việc để hệ thống có cơ hội được làm sạch khỏi các chất từ bên ngoài sẽ là một lựa chọn thông minh. Bạn không thể ngậm một cục sắt để lấy đủ sắt cho mình được. Chắc hẳn các bạn cũng biết, TPBS đi kèm theo các chất bảo quản, các chất độn và các chất làm dày. Còn với các loại TPBS mang tính chức năng (functional) tăng cường hay cải thiện, như Pre-workout , bạn cần có chu kì On/Off, dùng và không dùng, trong một khoảng thời gian nhất định. Không nói tới các tác hại nhưng việc dùng quá nhiều TPBS, chắc chắn sẽ can thiệp và ảnh hưởng đến việc tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tự nhiên của chúng ta. Để làm được điều này, cần một kế hoạch TPBS phù hợp và tất nhiên, cách dễ làm nhất là dùng đúng mục đích và khi đã đạt mục tiêu, hãy ngừng dùng. Cuối cùng. tại sao lại dùng hai chữ "Tìm mua", vì thực tế, những người chủ động tìm mua sẽ có cái nhìn và sự nghiên cứu kĩ lưỡng hơn những người tin vào các quảng cáo hay những lời mời tự tìm đến. Khi lựa chọn tìm mua, hãy tự mình so sánh nhiều loại sản phẩm, nhiều nhãn hàng và nhiều yếu tố phía sau sản phẩm. Điều này thường không có được khi trao đổi trực tiếp với người bán hàng khi việc chốt sale thường được ưu tiên hơn việc tìm ra một sản phẩm thật sự phù hợp. Như đã chia sẻ quan điểm về TPBS , Vincent không phủ nhận lợi ích của một số loại TPBS nhưng cũng đồng thời không đồng ý và sẽ luôn lên án cách thức bán hàng của rất nhiều người thiếu kiến thức và lương tâm nhưng lại luôn gắn cái danh mang lại sức khỏe và vẻ đẹp cho người khác để bán hàng. Cũng như thức ăn, mọi người luôn tìm cách để cảnh báo người khác về các loại chất lượng kém có thể gây ung thư, gây bệnh, TPBS, một sản phẩm chế biến công nghiệp được nhập từ rất nhiều nguồn bên ngoài, ít kiểm soát, ít thông tin khoa học chứng nhận, càng cần phải được hiểu rõ và đối xử chặt chẽ hơn. Xem thêm: Thực phẩm bổ sung có hiệu quả như quảng cáo ! Tri thức là sức mạnh ! Đăng kí thành viên để cùng nâng cấp kiến thức TPBS, Dinh dưỡng, tập luyện và lifestyle cùng Coach Vincent !