top of page
Ảnh của tác giảCoach Vincent

Dinh dưỡng thai kỳ: Tăng & giảm cân

Xem bài trước: Tập gym cho bà bầu



Về mặt sinh học, cuộc đời của mỗi chúng ta bắt đầu không phải từ lúc được sinh ra mà từ thời điểm chúng ta được mang thai. Thời kỳ mang thai thực sự là một cuộc chạy marathon kéo dài khoảng 40 tuần đòi hỏi duy trì sự bền bỉ, ổn định điều kiện tốt nhất ở nhiều khía cạnh, trong đó có dinh dưỡng. Thời kỳ mang thai thường được chia làm 3 giai đoạn gọi là tam cá nguyệt (trimester): Tam cá nguyệt thứ nhất (tuần 01-12), tam cá nguyệt thứ hai (tuần 13-27) và tam cá nguyệt thứ ba (tuần 28 cho đến khi sinh).


Khi thụ thai, một tế bào tinh trùng thụ tinh với một tế bào trứng, tạo ra hợp tử. Hợp tử nhanh chóng phân chia thành nhiều tế bào để trở thành phôi và tự cấy vào thành tử cung. Tại tử cung, vào cuối tuần thứ 8 sau khi thụ thai, nó sẽ phát triển thành bào thai. Một số thay đổi lớn xảy ra bao gồm sự phân nhánh của các tế bào thần kinh để hình thành các con đường thần kinh nguyên thủy ở tuần thứ 8. Ở tuần thứ hai mươi, các bác sĩ thường thực hiện siêu âm để thu thập thông tin về thai nhi và kiểm tra những bất thường. Đến lúc này có thể biết được giới tính của em bé. Ở tuần thứ 28, thai nhi bắt đầu bổ sung thêm mỡ để chuẩn bị cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Khả năng phối hợp giữa hành động mút và nuốt, cần thiết cho việc bú sau khi được sinh ra, chỉ xuất hiện ở tuần thứ 32-34 và hoàn tất vào khoảng tuần thứ 36-38 của thai kỳ.


Trong toàn bộ quá trình này, lựa chọn dinh dưỡng cho người mẹ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của chính cô ấy. Đồng thời, nó cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của đứa trẻ sau khi được sinh ra.


Điều quan trọng nhất tất nhiên là tiêu thụ thực phẩm lành mạnh ở mọi giai đoạn của cuộc đời, bắt đầu từ khi còn trong bụng mẹ. Trong thời kỳ mang thai, nhu cầu của người phụ nữ với một số chất dinh dưỡng nhất định sẽ tăng lên nhiều hơn. Và nhu cầu này cần được đảm bảo tốt nhất có thể trong mọi giai đoạn của thời kỳ mang thai. Nếu những nhu cầu dinh dưỡng này không được đáp ứng, trẻ sơ sinh có thể bị thiếu cân (cân nặng khi sinh dưới 2.5kg), đẻ non hoặc gặp các vấn đề về phát triển khác.


Thời kỳ trước mang thai

Cho mục đích y tế, quá trình mang thai sẽ được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng của người phụ nữ cho đến khi sinh con (thường kéo dài khoảng 40 tuần). Những thay đổi lớn bắt đầu xảy ra trong những ngày đầu tiên, thường là vài tuần trước khi người phụ nữ biết mình có thai. Trong giai đoạn này, dinh dưỡng đầy đủ sẽ hỗ trợ quá trình phân chia tế bào, biệt hóa mô và phát triển cơ quan. Mỗi tuần trôi qua đều đạt được những cột mốc mới. 


Vì vậy, không chỉ phụ nữ, những người làm cha tương lai cũng nên xem xét thói quen ăn uống của mình. Lối sống ít vận động và chế độ ăn ít rau quả tươi có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới. Đàn ông uống quá nhiều rượu cũng có thể làm hỏng số lượng và chất lượng tinh trùng của họ. (Link)


Việc mang thai có thể xảy ra bất ngờ. Vì vậy, điều quan trọng là tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ phải nhận được đủ các dưỡng chất, trong đó có Folate. Folate, còn được gọi là axit folic, rất quan trọng cho việc sản xuất DNA, RNA và hình thành tế bào. Sự thiếu hụt có thể gây ra bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ hoặc sự phát triển của các tế bào hồng cầu bất thường ở phụ nữ mang thai. Nó cũng có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến thai nhi. Thông thường, lượng folate có tác động lớn nhất trong 8 tuần đầu của thai kỳ, khi ống thần kinh đóng lại. Ống thần kinh phát triển thành não và tủy sống của thai nhi, và lượng folate đầy đủ sẽ làm giảm nguy cơ dị tật não và dị tật ống thần kinh, xảy ra ở 1/1000 ca mang thai ở Bắc Mỹ mỗi năm. [Link] Chất dinh dưỡng quan trọng này cũng hỗ trợ tủy sống và lớp vỏ bảo vệ của nó. Theo khuyến nghị của Bộ Y Tế năm 2007, phụ nữ trong độ tuổi sinh nở cần có đủ 400 microgam folate mỗi ngày và 600 microgam mỗi ngày trong thời kỳ mang thai. 


Tên “folate” có nguồn gốc từ tiếng Latin “folium” có nghĩa là lá, và các loại rau lá xanh như rau bina và cải xoăn là nguồn cung cấp folate tuyệt vời. Folate cũng được tìm thấy trong các loại đậu, gan động vật và cam. Tuy nhiên cần lưu ý cẩn trọng với Acid folic là một dạng tổng hợp của vitamin B9, còn acid pteroylmonoglutamic hay bị nhầm lẫn với folate. Nó được sử dụng trong các chất bổ sung và được thêm vào các sản phẩm thực phẩm chế biến, chẳng hạn như bột mì và ngũ cốc ăn sáng. Sau khi bổ sung acid folic, cơ thể cần có thời gian để chuyển đổi tất cả thành 5-MTHF, dạng hoạt tính sinh học của Folate. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra chậm và không hiệu quả ở một số người. Điều này có thể dẫn tới tình trạng thừa axit folic trong máu gây ra nhiều nguy cơ sức khỏe. Nên cẩn trọng với việc sử dụng TPBS có chứa axit folic và tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ (Link)


Tăng cân khi mang thai

Khi mang thai, cơ thể người mẹ thay đổi về nhiều mặt. Một trong những thay đổi đáng chú ý và quan trọng nhất là tăng cân. Nếu bà bầu không tăng đủ cân thì thai nhi sẽ gặp nguy hiểm. Tăng cân kém, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, không chỉ có thể dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh nhẹ cân mà còn có thể dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh và thiểu năng trí tuệ. Vì vậy, điều quan trọng đối với bà bầu là duy trì mức tăng cân hợp lý. Cân nặng của cô trước khi mang thai cũng có ảnh hưởng lớn. Cân nặng khi sinh của trẻ sơ sinh là một trong những dấu hiệu tốt nhất về sức khỏe tương lai của trẻ. Phụ nữ mang thai có cân nặng bình thường trước khi mang thai nên tăng tổng cộng từ 25 đến 35 pound trong toàn bộ thai kỳ. Số lượng chính xác mà người mẹ nên tăng thường phụ thuộc vào cân nặng ban đầu hoặc chỉ số khối cơ thể (BMI) của cô ấy. Bên dưới là khuyến nghị của CDC & Viện Y học Hoa Kỳ (CDCUS) cùng Bộ Y Tế VN (Link) (Link) (Link)


  • BMI Dưới 18,5 (Thiếu cân) CDCUS khuyến nghị tăng 12.7–18kg, bộ Y Tế khuyến nghị tăng 25% cân nặng trước khi mang thai

  • BMI 18,5–24,9 (Bình thường) CDCUS khuyến nghị tăng 11.5–16kg, Bộ Y Tế khuyến nghị tăng 10-12kg

  • BMI 25,0–29,9 (Thừa cân) CDCUS khuyến nghị tăng 6.8–11.4kg, Bộ Y Tế khuyến nghị tăng 15% cân nặng trước khi mang thai

  • BMI trên 30,0 Béo phì (tất cả các mức) CDCUS khuyến nghị chỉ tăng 5-9kg, Bộ Y Tế khuyến nghị tăng 15% cân nặng trước khi mang thai


Cân nặng ban đầu trước khi mang thai dưới hoặc trên mức bình thường đều có thể dẫn đến các biến chứng khác nhau. Phụ nữ mang thai có chỉ số BMI trước khi mang thai dưới 20 có nguy cơ sinh non và trẻ nhẹ cân cao hơn. Phụ nữ mang thai có chỉ số BMI trước khi mang thai trên 30 có nguy cơ sinh mổ cao hơn. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên có chỉ số BMI ở mức bình thường trước khi mang thai.


Thông thường, phụ nữ tăng từ 0,5kg đến 2kg trong ba tháng đầu tiên. Sau đó, tốt nhất là không tăng quá 0,5kg mỗi tuần. Một số cân nặng mới là do sự phát triển của thai nhi, trong khi một số là do những thay đổi trong cơ thể người mẹ hỗ trợ quá trình mang thai. Phụ nữ mang thai nhiều hơn một thai nhi được khuyên nên tăng cân nhiều hơn nữa để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi.


Trọng lượng mà người mẹ tăng lên khi mang thai là 2/3 đến 3/4 mô nạc, bao gồm cả nhau thai và thai nhi. Tăng cân không phải là thay đổi lớn duy nhất. Phụ nữ mang thai cũng sẽ thấy ngực mình to ra và có xu hướng giữ nước. Thành phần cân nặng tăng lên của người mẹ bao gồm như sau: 

  • Lượng máu: 1.3-1.8 kg

  • Lượng protein và chất béo: 3.6-4.5kg

  • Lượng chất lỏng: 3-4 1.3-1.4kg

  • Ngực: 0.45-0.9kg 

  • Đứa trẻ: 2.7-3.6kg

  • Nhau thai: 0.45-0.9 kg

  • Tử cung: 0.45-0.9 kg

  • Nước ối: 0.9-1.3kg

Tốc độ tăng cân cũng rất quan trọng. Nếu một người phụ nữ tăng cân quá chậm, bác sĩ có thể đề nghị tư vấn dinh dưỡng. Nếu người mẹ bầu tăng cân quá nhanh, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba, đó có thể là kết quả của tình trạng phù nề hoặc sưng tấy do tích tụ chất lỏng dư thừa. Tăng cân nhanh chóng cũng có thể là do tăng tiêu thụ calo hoặc thiếu tập thể dục.


Giảm cân sau khi mang thai

Trong quá trình chuyển dạ, các bà mẹ mới sinh con sẽ giảm một phần cân nặng mà họ đã tăng lên khi mang thai và khi đứa bé sinh ra. Trong những tuần tiếp theo, họ tiếp tục giảm cân khi mất đi chất lỏng tích tụ và lượng máu trở lại bình thường. Một số nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng cân nặng của người mang thai sẽ được “reset” lại và việc cho con bú cũng giúp người mẹ mới giảm được một phần cân nặng. (Link)


Những bà mẹ giữ số cân nặng hợp lý và tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên trong thời kỳ mang thai cũng sẽ giảm cân dễ dàng hơn sau khi sinh. Tuy nhiên, những phụ nữ tăng cân nhiều hơn mức cần thiết khi mang thai thường giữ lại lượng cân dư thừa đó dưới dạng mỡ trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng như tăng huyết áp hoặc tiểu đường Loại 2 sau khi sinh và cả trong những lần mang thai sau này. Việc giảm cân để duy trì mức cân nặng khỏe mạnh là cần thiết nhưng việc giữ cân nặng khỏe mạnh ở thời kỳ tiền mang thai và tăng cân có kiểm soát trong lúc mang thai rất quan trọng.


Bạn muốn đọc thêm?

Đăng ký coachvincent.com để tiếp tục đọc bài đăng dành riêng này.

60 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
© Copyright
bottom of page