Anorexia Nervosa, Chán ăn tâm thần, thường được gọi đơn giản là Anorexia, chỉ một chứng rối loạn ăn uống được đặc trưng bởi trọng lượng cơ thể thấp bất thường, nỗi sợ tăng cân dữ dội và nhận thức lệch lạc về cân nặng. Những người mắc chứng chán ăn coi trọng việc kiểm soát cân nặng và hình dáng của họ một cách quá mức, sử dụng những nỗ lực cực độ có xu hướng gây trở ngại đáng kể cho cuộc sống của họ.
Chán ăn tâm thần xảy ra chủ yếu ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ. Khởi phát thường ở giai đoạn thanh thiếu niên và hiếm khi sau 40 tuổi với hai hình thức được nhận diện rõ ràng nhất là kiểu hạn chế thức ăn và kiểu rối loạn cuồng ăn/tự đào thải thức ăn. Trường hợp sau có nghĩa, bệnh nhân ăn nhiều tới mức điên cuồng nhưng tự dùng các biện pháp đào thải (tự nôn) và/hoặc lạm dụng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu, hoặc rửa ruột.
Nhiều bệnh nhân chán ăn tâm thần cũng tập thể dục quá mức để kiểm soát trọng lượng. Ngay cả những bệnh nhân xuất hiện gầy quá mức vẫn có xu hướng hoạt động rất tích cực (bao gồm theo đuổi các chương trình tập luyện cường độ cao).
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh chán ăn tâm thần tổng hợp từ nhiều yếu tố như bộ gen, tình trạng thể chất, môi trường cho đến vấn đề tâm lý. Trong đó vấn đề tâm lý đến từ thói quen ăn kiêng cực độ và ám ảnh về ngoại hình trở thành một nguyên nhân nổi bật. Đặc biệt trong những môi trường tạo áp lực về ngoại hình (nghề người mẫu, múa, diễn viên...) hoặc văn hóa "body-shaming" vinh danh những cá nhân có hình thể thon gọn quá mức. Chán ăn tâm thần có liên quan đến sự không hài lòng về cơ thể, chủ nghĩa cầu toàn và các rối loạn lo âu như rối loạn lo âu xã hội, rối loạn lo âu tổng quát và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) (Link).
Để ngăn ngừa tăng cân hoặc tiếp tục giảm cân, những người mắc chứng chán ăn thường hạn chế nghiêm ngặt lượng thức ăn họ ăn. Họ có thể kiểm soát lượng calo bằng cách nôn sau khi ăn hoặc lạm dụng thuốc nhuận tràng, hỗ trợ ăn kiêng, thuốc lợi tiểu hoặc các biện pháp thụt tháo. Họ cũng có thể cố gắng giảm cân bằng cách tập thể dục quá sức. Các chứng ám ảnh về ngoại hình Bigorexia, ăn kiêng cực độ loại bỏ một nhóm thức ăn, ám ảnh giữ dáng tạo ra ám ảnh ăn uống (Orthorexia) thường làm tiền đề cho chán ăn tâm thần.
Tại Mỹ, có tới 35-57% các cô gái vị thành niên tham gia vào chế độ ăn kiêng cấp tốc, nhịn ăn, tự gây nôn, dùng thuốc giảm cân hoặc thuốc nhuận tràng, thụt tháo (Link). Trong một nghiên cứu khác, 46% trẻ em 9-11 tuổi thừa nhận thỉnh thoảng hoặc thường xuyên theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt (Link).
Hệ quả
Chán ăn tâm thần có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài đến sức khỏe. Nó có thể gây hại cho tim, hệ tiêu hóa, xương, răng và miệng. Nó cũng liên quan đến trầm cảm, lo lắng, tự làm hại bản thân và có ý nghĩ và hành vi tự tử (Link).
Các than phiền về đầy bụng, khó chịu ở bụng, và táo bón và các vấn đề tiêu hóa khác rất phổ biến. Hầu hết phụ nữ mắc chứng chán ăn tâm thần đều bị ngừng kinh nguyệt. Bệnh nhân thường mất quan tâm đến tình dục. Trầm cảm xảy ra một cách thường xuyên.
Tim và mạch máu: Với chứng chán ăn tâm thần, một số người có thể bị nhịp tim không đều, nhịp tim chậm và huyết áp thấp. Ngoài ra, một số người có thể bị lưu thông máu kém, thiếu máu và cảm thấy lạnh liên tục. Khối lượng cơ tim, kích thước buồng tim và lượng máu bơm ra đều giảm, sa van hai lá thường được phát hiện. Một số bệnh nhân gặp hội chứng khoảng QT kéo dài (ngay cả khi được nhịp tim đã được hiệu chỉnh), cùng với các rối loạn điện giải có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim (Link). Đột tử, hầu hết do nhịp tim nhanh và bất thường, do vậy có thể xảy ra.
Mất chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản: Đối với những người phụ nữ khỏe mạnh trong độ tuổi sinh sản, kinh nguyệt không đều hoặc không đều thường do chứng chán ăn tâm thần. Điều này xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố và cơ thể cố gắng bảo tồn năng lượng trong khi bị suy kiệt về dinh dưỡng từ chế độ ăn. Một số người cũng có thể bị mất khả năng sinh sản không thể phục hồi do bị chán ăn tâm thần.
Đường tiêu hóa: Nhiều biến chứng đường tiêu hóa có thể do chán ăn tâm thần, bao gồm táo bón, liệt dạ dày, bệnh gan, đầy hơi, đau bụng và loét dạ dày.
Sự mất nước và kiềm chuyển hóa có thể xảy ra, K và/hoặc Na huyết tương có thể thấp. Tất cả đều có thể trầm trọng hơn khi bệnh nhân cố tình nôn ói hoặc dùng các biện pháp hạn chế thức ăn như thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu, thụt tháo.
Mật độ xương giảm do thiếu khoáng và mất nước. Với các chế độ ăn kiêng như Ăn thô, ăn Fruitarian vì các chất khoáng thiết yếu như canxi, magie, sắt...từ thực vật được hấp thụ kém hơn do đi kèm với các chất kháng dinh dưỡng (oxalates, phytic acid...), chất xơ. Nhất là khi chúng chưa được nấu chín.
Bất thường nội tiết là phổ biến trong chán ăn tâm thần; chúng bao gồm:
+ Nồng độ hóc môn tuyến sinh dục thấp
+ Giảm nhẹ mức thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3)
+ Tăng tiết cortisol
Ở những bệnh nhân chán ăn tâm thần lâu dài gây ra suy dinh dưỡng nặng, hầu như mọi hệ thống cơ quan trong cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng.
Quan trọng hơn, Chán ăn tâm thần được các chuyên gia xác định là một rối loạn tâm thần chết người làm tăng nguy cơ tử vong lên 5 đến 12 lần so với các nhóm dân số chung. Nếu không được điều trị, có tới 20% người mắc chứng này chết trong vòng 20 năm sau khi mắc bệnh. Trong khi nếu được điều trị, tỷ lệ tử vong giảm xuống còn 2-3%. Cứ 52 phút lại có một người chết vì biến chứng rối loạn ăn uống ở Hoa Kỳ (Link).
Số liệu về rối loạn ăn uống nói chung
Rối loạn ăn uống ảnh hưởng đến ít nhất 9% dân số trên toàn thế giới. (Link)
9% dân số Hoa Kỳ, tương đương 28,8 triệu người Mỹ, mắc chứng rối loạn ăn uống trong đời (Link).
Chưa đến 6% người mắc chứng rối loạn ăn uống được chẩn đoán y tế là “thiếu cân.”
Rối loạn ăn uống là một bệnh tâm thần nguy hiểm bậc nhất, chỉ đứng sau quá liều ma túy.
10.200 ca tử vong mỗi năm là kết quả trực tiếp của chứng rối loạn ăn uống—tức là cứ 52 phút lại có một ca tử vong tại Mỹ. (Link)
Khoảng 26% người mắc chứng rối loạn ăn uống có ý định tự tử. (Link)
Chi phí kinh tế của chứng rối loạn ăn uống là 64,7 tỷ đô la mỗi năm.(Link)
Dấu hiệu của chán ăn tâm thần
Các dấu hiệu và triệu chứng thực thể của chứng chán ăn tâm thần có liên quan đến tình trạng đói. Chán ăn cũng bao gồm các vấn đề về cảm xúc và hành vi liên quan đến nhận thức không thực tế về trọng lượng cơ thể và nỗi sợ tăng cân hoặc béo phì cực kỳ nghiêm trọng. Có thể khó nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng vì những gì được coi là trọng lượng cơ thể thấp là khác nhau đối với mỗi người và một số cá nhân có thể trông không quá gầy. Ngoài ra, những người mắc chứng chán ăn thường ngụy trang cho tình trạng gầy gò, thói quen ăn uống hoặc các vấn đề về thể chất.
Bệnh nhân thường phóng đại lượng thức ăn của họ và hành vi che giấu, ví dụ như gây nôn. Cuồng ăn/tự đào thải thức ăn xảy ra ở 30 đến 50% số bệnh nhân. Những người khác chỉ đơn giản hạn chế lượng thức ăn của họ.
Sụt cân nặng hoặc không tăng cân như mong muốn
Ngoại hình gầy gò
Công thức máu bất thường
Mệt mỏi
Mất ngủ
Chóng mặt hoặc ngất xỉu
Các ngón tay xanh xao
Tóc mỏng, gãy hoặc rụng
Lớp lông tơ mềm mại bao phủ cơ thể
Không có kinh nguyệt
Táo bón và đau bụng
Da khô hoặc hơi vàng
Không chịu được lạnh dù người khác chỉ thấy mát
Nhịp tim bất thường
Huyết áp thấp
Mất nước
Sưng tay hoặc chân.
Các dấu hiệu hành vi phổ biến:
Hạn chế tiếp nhận thức ăn dẫn đến trọng lượng cơ thể thấp
Nỗi sợ bị thừa cân hay béo phì (được khẳng định bởi bệnh nhân hoặc biểu hiện dưới dạng hành vi gây trở ngại cho sự tăng cân)
Rối loạn về hình ảnh bản thân (nhận thức sai về trọng lượng và/hoặc ngoại hình)
Phủ định sự nghiêm trọng của bệnh tật
Cách ngăn chặn & điều trị
Điều khó khăn nhất là những người mắc bệnh này thường từ chối giúp đỡ hoặc chống đối việc người khác cho rằng họ đang gặp vấn đề (Link) (Link). Đặc biệt với tình trạng chán ăn tâm thần xuất phát từ ám ảnh ăn uống (orthorexia) kéo dài gây suy dinh dưỡng. Khi đó họ có xu thế áp đặt quan niệm cá nhân lên lựa chọn ăn uống của người khác, tự coi rằng mình vượt trội hơn những tiêu chuẩn thông thường.
Cách ngăn chặn tốt nhất là để ý đến các dấu hiệu bất thường của việc tập luyện, dinh dưỡng, nghỉ ngơi và lifestyle để ngăn chặn ám ảnh ăn uống (orthorexia) và ám ảnh ngoại hình (bigorexia, body- dysmorphia). Đặc biệt với những người đang theo đuổi một sự nghiệp, một lối sống khắt khe với vẻ đẹp hình thể theo một hình mẫu tiêu chuẩn nào đó. Khi thấy một dấu hiệu bất thường, đa phần dễ nhận thấy ở thói quen ăn uống và tập luyện, hãy tìm hiểu và đưa ra lời nhắc nhở cảnh báo. Nếu câu trả lời bạn nhận về là "Không sao đâu, tôi biết mình làm gì mà", có thể đó là một dấu hiệu rõ ràng bắt đầu cho thấy những ám ảnh về tâm thần. Một người theo đuổi lối sống lành mạnh có tính khoa học cao sẽ luôn có lý do cụ thể cho tình trạng hiện tại của mình và sẵn sàng giải thích đầy cảm hứng về điều dó thay vì chống chế cho qua chuyện.
Nếu bạn biết ai đó mắc chứng chán ăn, một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm là ở bên họ và hỗ trợ họ. Bạn có thể hỗ trợ họ theo nhiều cách như sau:
Hãy tiếp tục cố gắng mời họ tham gia các hoạt động bình thường bao gồm cả các bữa tiệc ăn uống nhẹ. Họ có thể không muốn ra ngoài hoặc tham gia các hoạt động này. Nhưng hãy nhớ rằng chán ăn tâm thần rất nguy hiểm với họ và tiếp tục cố gắng nói chuyện với họ và mời họ đi cùng. Đặc biệt với các sự kiện giống như trước khi họ gặp tình trạng chán ăn để họ làm quen rằng. Ngay cả khi họ không tham gia, họ vẫn muốn được mời vì nó sẽ khiến họ cảm thấy mình được coi trọng và không cảm thấy mình bị cô lập.
Cố gắng không tổn thương lòng tự trọng của họ. Hãy cho cái tôi quá lớn của họ một bậc thang để bước xuống. Nếu trước đó họ "miệt thị" hay tranh cãi với những người có thói quen ăn uống khác mình, hãy tránh để họ tiếp xúc với những người này. Còn nếu họ gặp các vấn đề tâm lý dẫn đến chán ăn, hãy tìm cách bình ổn tâm lý của họ, nâng cao lòng tự trọng của họ. Tránh việc để họ biết rằng bạn nghĩ họ bị bệnh gì đó một cách sỗ sàng và cho họ biết rằng sự khỏe mạnh của họ rất quan trọng với bạn.
Dành thời gian của bạn, lắng nghe họ và cố gắng không đưa ra lời khuyên hay chỉ trích. Điều này có thể khó khăn khi bạn sẽ phải tìm cách ngăn chặn những thói quen hay quan niệm có hại nhưng không được thể hiện sự không đồng ý một cách quá gay gắt. Hãy nhớ rằng, bạn không cần phải biết tất cả các câu trả lời và đây không phải cuộc tranh luận thắng thua. Điều quan trọng là chỉ cần đảm bảo rằng họ biết bạn luôn ở đó vì họ.
Khuyến khích họ tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ bác sĩ, chuyên gia tâm lý hoặc các huấn luyện viên phù hợp giúp họ khắc phục nguyên nhân. Điều này sẽ mang lại cho bạn bè hoặc người thân của bạn cơ hội tốt nhất để khỏi bệnh. Nhưng đây có thể là một trong những bước khó khăn nhất đối với người mắc chứng rối loạn ăn uống, vì vậy hãy cố gắng khuyến khích họ tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc đề nghị đi cùng với họ.
Commentaires