Cảnh báo: Sử dụng PED: Các chất kích thích cơ bắp, sức mạnh có mối nguy hại rất lớn tới sức khỏe !
Khi phải cạnh tranh trong cuộc sống, con người luôn tìm mọi cách để có thể đạt được điều mình muốn. Điều này đã trở thành bản tính và được thể hiện mạnh mẽ hơn qua thi đấu thể thao. Và đi kèm với khát khao chiến thắng thuần túy, luôn có sự hiện diện của những trò gian lận để đạt được điều đó. PED (Performance Enhancing Drugs) tên gọi chung cho các loại chất tổng hợp nhân tạo nhằm tăng cường sức mạnh cơ bắp cũng như cấu trúc hình thể người cho mục đích thi đấu, trình diễn. Doping chỉ việc sử dụng những chất "phi tự nhiên" này một cách bất hợp pháp trong thi đấu thể thao. Lịch sử thể thao luôn có dấu ấn của PED/Doping dù vô tư hay cố ý. Trong bài viết này Vincent xin chia sẻ lược sử ngắn gọn về nhân vật đen tối này.
(Xem thêm playlist TPBS thể hình fitness chuyên sâu trên kênh YT Coach Vincent Fitness tại đây)
1. Thời kì đầu
Có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên, nhưng Doping đã được sử dụng từ hơn 100 năm trước tại Olympic. Vào kì Olympic Mùa hè năm 1904 tại Mỹ, vận động viên chạy marathon người Mỹ gốc Anh Tom Hicks đã được coach của mình là Charles Lucas cho dùng 1 ít strychnine (1 chất kích thích thần kinh) pha với rượu mạnh và một ít lòng trắng trứng trước khi thi đấu. Tom Hicks sau đó đã về nhất hạng mục này nhưng đã ngất xỉu khi kết thúc chặng đua và phải lập tức được cấp cứu y tế. Dù vị coach của Tom đã thừa nhận cho anh dùng không chỉ 1 mà hai liều strychnine, nhưng chiến thắng của Tom đã không bị tước đoạt và vượt qua những lời chỉ trích.
Do được thừa nhận từ chính chủ, sự kiện này cũng trở thành trường hợp sử dụng Doping đầu tiên tại Olympic được ghi chép một cách chính thức. Strychnine hiện tại được xếp vào nhóm độc chất, thường dùng cho thuốc trừ sâu và diệt côn trùng, động vật gây hại. Tuy vậy thực tế, vào năm 2016, cũng đã có trường hợp định tái lập lại việc sử dụng chất này tại Olympic nhưng đã bị phát hiện và ngăn chặn. Vào thời kì đầu, khái niệm Doping và PED còn được sử dụng chưa tách biệt và đặc biệt chưa có sự xuất hiện của Steroid đồng hóa.
2. Testosterone tổng hợp nhân tạo và cuộc chiến Đông - Tây:
Vào năm 1927, lần đầu tiên việc cô lập testosterone được tiến hành thành công trong phòng thí nghiệm bởi một nhà hóa học hữu cơ, Fred Koch, tại đại học Chicago Mỹ. Điều đã tạo thành một cột mốc lịch sử trong nghiên cứu y sinh. Thí nghiệm trên động vật sau đó, Testosterone được chiết ra từ tinh hoàn của bò với phương pháp của Fred Koch có thể làm tăng trưởng cơ bắp cho gà trống thiến, tăng tính hiếu chiến trên gà mái và bò cái. Tuy nhiên phương pháp chiết Testosterone này lúc đó rất khó thực hiện và đắt đỏ.
Vào năm 1935, tại Nam Tư, Testosterone nhân tạo được phát minh ra bởi nhà hóa học mang tên Leopold Ruzicka, từ việc biến đổi đổi cấu trúc phân tử của cholesterol. Một cách hợp pháp và tình nguyện, các nhà khoa học tại đây đã thử nghiệm Testosterone nhân tạo này trên người. Các cuộc thí nghiệm cho thấy sự tăng trưởng cơ bắp kinh ngạc của những chàng trai trẻ. Dù lúc đó các nhà khoa học vẫn chưa biết nguyên lý về việc hormone nhân tạo này tăng trưởng tổng hợp protein tại cơ bắp nhưng kết quả vẫn khiến toàn giới khoa học thể thao kinh ngạc. Những người sử dụng Testosterone nhân tạo không chỉ tăng mạnh về cơ bắp mà còn tăng trưởng cả về sức mạnh.
Năm 1945, Thế chiến thứ hai kết thúc bằng cuộc chia đôi nước Đức thành Đông Đức và Tây Đức. Tiếp theo đó, thời đại chiến tranh lạnh giữa hai thế lực siêu cường trên thế giới là Nga và Mỹ cũng tạo ra cuộc chiến trên tất cả các mặt trận của đời sống. Thể thao cũng không nằm ngoại lệ. Tại các kì thế vận hội cho đến các sân bóng đá, vận động viên đến từ các nước xã hội chủ nghĩa cạnh tranh gay gắt với các anh tài thuộc khối tư bản.
Năm 1952 tại kì Olympic Mùa hè tại Hensinki, Phần Lan, trong lần tham dự Olympic đầu tiên của mình, các vận động viên từ Liên Bang Xô Viết đã chiếm trọn spotlight các bộ môn cử tạ. Điều này dẫn tới những nghi ngờ về việc sử dụng Testosterone nhân tạo từ các huấn luyện viên, chuyên gia người Mỹ. Sau đó vào năm 1954, tại giải vô địch Cử tạ thế giới, mối nghi ngờ này được chính chủ xác nhận dẫn tới việc người Mỹ bắt đầu nghiên cứu và ứng dụng Testosterone vào thể thao dù vẫn còn rất dè dặt. Và cho tới Olympic tại Úc năm 1956, khi vận động viên Xô Viết, Arkady Vorobyov, người đã sử dụng Testosterone (a.k.a steroid) dài kì hủy diệt các vận động viên Mỹ khi nâng được mức tạ (<90kg) hơn gấp đôi trọng lượng cơ thể (>180kg), người Mỹ chính thức đẩy mạnh việc ứng dụng PED cho các vận động viên của mình.
Và khi người Mỹ đã vào cuộc một cách nghiêm túc, kéo theo hàng loạt các nước liên quan thuộc hai khối thế giới tham gia vào cuộc đua khoa học ứng dụng. Chính sự cạnh tranh này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển và bùng nổ của Doping những năm 1960. Trong thời kì này, việc sử dụng Doping trong các kì thi đấu Olympic diễn ra "như cơm bữa" đặc biệt tại các bộ môn sức mạnh như cử tạ hay sức bền như các môn chạy. Thậm chí các tờ báo còn thường dùng hình ảnh những kim tiêm, ống thuốc đã qua sử dụng nằm la liệt trong các phòng thay đồ để mô tả tình trạng sử dụng rất nhiều dược chất tăng cường vận động vào thời kì này.
3. IOC chính thức cấm Doping
Ủy Ban Olympic Quốc tế (IOC) ngay từ năm 1928 đã cân nhắc tới vấn đề sử dụng PED trong thể thao bằng các cuộc hội thảo Y tế đươc tổ chức cùng với các kỳ thế vận hội. Tuy nhiên thể thao ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành một hình thức giải trí của toàn cầu. Các vận động viên dần trở thành những đại diện cho vình dự quốc gia và trở thành những ngôi sao quốc tế. Kéo theo đó là sự gia nhập của các giới chức truyền thông, kinh tế và cả chính trị. Đặc biệt quan điểm về tính an toàn của PED cũng gây ra chia rẽ lớn trong nội bộ giới bác sĩ, chuyên gia.
Tại cuộc họp quan trọng vào năm 1948, IOC đã quyết định "giữ mình" khỏi các vấn đề về khoa học và y dược, đồng thời chuyển giao trách nhiệm cho Liên đoàn quốc tế về Dược phẩm Thể thao, một tổ chức ít tiếng nói.
Thời kỉ tiếp theo chứng kiến sự bùng nổ của Doping không chỉ tại Olympic mà còn ở cả những sự kiện thể thao quốc gia nhỏ lẻ. Tiếp theo đó cùng với cái chết ngay trên đường đua của vận động viên xe đạp người Đan Mạch tại Olympic 1960, rất nhiều các tổ chức đã lên tiếng yêu cầu IOC triển khai việc kiểm soát Doping trong thể thao. Trong khi IOC vẫn "im lặng", giới chức Hội đồng châu Âu trở thành những người đầu tiên đặt ra những nghiên cứu chi tiết và điều tra dành cho PED và Doping trong thể thao. Thậm chí tại Tokyo, Hội nghị về Khoa học thể thao đã đi tới một nghị quyết về việc ngăn chặn Doping trong thi đấu thể thao. Nghị quyết này sau đó đã được Liên hiệp Đua Xe Đạp quốc tế chấp nhận và thực hành mà không cần tới sự tham gia của IOC.
Nghị quyết quan trọng tại Tokyo này sau đó dẫn tới việc rất nhiều liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc tế đã chính thức vào cuộc trong việc kiểm soát PED/Doping vì tính an toàn và cả đạo đức thể thao sau đó. Cuối cùng quyết định việc thực thi kiểm tra Doping cho các sự kiện Olympic của IOC cũng được đưa ra vào kỳ họp tại Iran năm 1967. Một danh sách các chất cấm đã được liệt kê kèm theo đó IOC cũng lập ra Ủy Ban Đặc Biệt về Y Tế để tiến hành thực thi việc này. Lý do được IOC đưa ra cho việc cấm đoán PED/Doping nằm ở hai việc: Sự cạnh tranh không công bằng và những mối nguy hại về sức khỏe.
Dù có rất nhiều tranh cãi về tính an toàn của PED/Doping, đến năm 1967, những nguy hại của việc sử dụng Doping trong thi đấu thể thao đã được chứng thực khi tại Tour De France năm đó, tay đua người Anh Tommy Simpson, đã ngục gã và chết ngay trên sóng truyền hình khi đang dẫn đầu toàn đường đua. Kết quả khám nghiệm tử thi của vận động viên này cho thấy việc sử dụng nhiều loại chất kích thích. Một năm sau đó, 1968, Yves Mottin, một vận động viên đua xe đạp có tiếng tăm khác, cũng đã chết vì nguyên nhân tương tự.
4. Sự đào thoát và bị bắt giữ của Steroid
Có thể bạn chưa biết, Steroid và Sarm vốn là hai anh em sinh đôi. Thời buổi ban đầu được tạo ra, mục đích của các loại chất kích thích nhằm thay thế, bắt chước tác dụng của hormone Testosterone nhằm tăng cường khả năng phát triển cơ bắp, sức khỏe của xương khớp và đẩy mạnh việc phục hồi.
Và dù năm 1968, IOC có ban hành việc cấm Doping, thực tế Anabolic Steroid đã hoàn toàn thoát khỏi những lệnh cấm này. Vào Olympic 1968 tổ chức tại Mexico, các vận động viên Đông Đức, Xô Viết vẫn "nghênh ngang" sử dụng steroid và đi xét nghiệm bình thường. Vì đơn giản vào thời điểm đó, danh sách các chất Doping bị cấm chưa có steroid và thực tế phương pháp kiểm tra cũng không thể phát hiện các chất này.
Một điều khá hài hước là, bản thân Đông Đức trước đó lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc sử dụng Doping trong thể thao chỉ nhằm phát triển những loại steroid của riêng họ. Kết quả là vào kỳ Olympic năm 1968, Margitta Gummel, vận động viên đẩy tạ nữ của Đông Đức, người sử dụng T-bol, một loại steroid dạng viên uống, đã giành huy chương vàng và lập kỉ lục thế giới.
Vào năm 1969, thậm chí một bài báo trên tạp chí nổi tiếng của Đông Đức đã thừa nhận rằng hầu hết các vận động viên ném đĩa, điền kinh, cử tạ của họ đều sử dụng steroid. Điều này cũng dẫn tới biệt danh "Cỗ máy Steroid" của Đông Đức.
Tất nhiên, không thể không nhắc tới sự tham gia của bộ môn thể hình đang lên tại Mỹ vào lĩnh vực này từ những năm 1960. Có thể nói thể hình đã đẩy mạnh sự phát triển của PED vì đơn giản, bộ môn này tạo ra một thị trường lớn hơn, một nguồn thử nghiệm tốt hơn. Các vận động viên hàng đầu của cuộc thi Mr Olympia những năm 1965-1975 có thể thoải mái mua PED từ các hiệu thuốc, từ các bác sĩ và giá của các loại steroid lúc này cũng rất rẻ.
5. Bị cấm vì tham vọng của con người
Theo thời gian, các vấn đề an toàn và tác dụng phụ "chết người" của steroid và các chất PED tương tự dần lộ rõ dưới con mắt của các chuyên gia. Khái niệm PED trở nên rõ ràng hơn dù vẫn còn rất nhiều tranh luận xung quanh các vấn đề tác dụng tác hại. Nhưng có một thực tế không thể che giấu được, các vận động viên ngày càng biết được nhiều hơn về tác dụng siêu việt của những chất này. Và điều nguy hại hơn ở đây, họ sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng để chiến thắng.
Vào những năm 1970s, Gabe Mirkin, một cựu vận động viên marathon, một giảng viên và bác sĩ y khoa có tiếng của Mỹ đã thực hiện một khảo sát với các vận động viên rằng "Nếu tôi đưa cho anh một viên thuốc sẽ giúp anh vô địch Olympic nhưng anh sẽ phải chết trong một năm sau đó, anh sẽ uống nó chứ ?". Kết quả gây sốc của cuộc khảo sát này, theo Mirkin báo cáo, có đến một nửa số người được hỏi chấp nhận sẽ uống viên thuốc.
Cuối cùng cho tới năm 1975, IOC chính thức liệt Anabolic Steroid và tất cả các chất PED vào danh sách các chất Doping bị cấm trong thể thao. Cũng từ đây, các vận động viên không chỉ bị kiểm tra tại các kì thế vận hội mà bản thân các liên đoàn thể thao cũng phải chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn sử dụng Doping trong thể thao.
Khảo sát của Gabe Mirkin đã thu hút Bob Goldman, một chuyên gia thể thao khác, thực hiện một cuộc nghiên cứu dài hơi hơn từ năm 1982 - 1995. Trong khảo sát của mình với các vận động viên hàng đầu thế giới ở các môn đối kháng và sức mạnh, Goldman đưa ra một câu hỏi hấp dẫn hơn cho: "Nếu tôi có thể đưa cho bạn một loại thuốc có tác dụng kỳ diệu sẽ giúp bạn chiến thắng tất cả các cuộc thi từ Olympic tới Mr Universe trong năm năm tới, nhưng tác dụng phụ của nó sẽ giết chết bạn trong 5 năm sau đó, bạn sẽ dùng nó chứ ?". Với câu hỏi thực tế hơn, hấp dẫn hơn như vậy, Goldman đã phát hiện ra có tới hơn một nửa số vận động viên được hỏi đồng ý chấp nhận dùng thuốc. Kết quả này liên tục lặp lại trong nhiều năm tạo thành thành ngữ "Goldman Dilemma" (Tạm dịch: Lựa chọn lưỡng nan Goldman) nổi tiếng trong thể thao.
Dù nhận nhiều nghi ngờ và phê bình về cách tiến hành nhưng cả hai cuộc khảo sát của Gabe Mirkin và Bob Goldman đều khẳng định một sự thực gây sốc với thế giới rằng: để giành được chiến thắng, các vận động viên sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả, dù cho đó có là cả tính mạng. Và tất nhiên trong thực tế, với rất nhiều sự dụ dỗ và "lừa phỉnh", cơ hội lựa chọn còn hấp dẫn hơn thế.
Những điều trên đã dấy lên những nghi ngại và bản thân IOC và các liên đoàn thể thao cũng đều đồng tâm hiệp lực cho cuộc chiến chống Doping một cách mạnh mẽ hơn. Kéo theo đó là sự ra đời của WADA vào năm 1999, Tổ chức chống Doping Thế giới, PED/Doping hiện tại đã bị cấm ở hầu hết các liên đoàn, tổ chức thể thao liên quan tới Olympic.
댓글