top of page
Ảnh của tác giảCoach Vincent

Online Coaching & Training Concept - Khác biệt cốt lõi của PT & Coach

Xem thêm: Setup Lịch tập (Trong các bài blog trên website, hai chữ tác giả, Vincent sẽ được dùng luân phiên thay thế cho nhau. )

Làm thế nào để PT/Coach có thể tối ưu hóa sức làm việc, huấn luyện hiệu quả 100%, mà không phải hi sinh thêm quỹ thời gian, không bị rối loạn thông tin ? Fitness Coach khác với PT ở điểm gì ? Coaching không phải "selling" vậy Kỹ năng nào thực sự cần nâng cấp để thực hiện điều đó ? Những câu hỏi này luôn thường trực với những người làm huấn luyện viên. Bản thân tác giả cũng nhận được khá nhiều từ các bạn tham gia Fitness Base và các bạn xem kênh YT Coach Vincent Fitness. Nhưng trước hết có thể nói, hệ thống huấn luyện ở các trung tâm quốc tế không có vị trí sale với nghĩa "bán hàng chốt deal", chỉ có vị trí tư vấn, giải đáp thắc mắc dịch vụ. Còn trong bài blog này sẽ thông qua những câu chuyện nổi bật trên thế giới để giúp bạn hiểu thêm một ngành nghề vẫn còn sơ khai tại Việt Nam với tuổi đời chưa tới 15 năm.


VShred được mệnh danh Fitness Villain vì mang tới các thông tin không chính xác về huấn luyện, dinh dưỡng. Nhưng VShred cũng là một cách thức kinh doanh hấp dẫn nhờ chuyện dùng niềm tin vào idol của giới trẻ để bán các chương trình giảm cân - tăng cân giống nhau với giá cao cho tất cả mọi người. Từ tiếng Anh mô tả cho những chương trình thay đổi hình thể kiểu này là "cookies-cutter" còn ở Việt Nam mình gọi "lùa gà", một từ rất hay vì cứ còn "gà" sẽ bị lùa chứ không cần biết bạn bao nhiêu tuổi hay kinh nghiệm như thế nào. Và thực ra không chỉ Vshred, có rất nhiều fitness model, KOL/Influencer áp dụng cách thức kinh doanh tương tự...Hầu như các Fitness Influencer đều bán kèm các ebook chương trình tập luyện.


Nhưng có bạn cũng sẽ hỏi, tại sao các chương trình của V-Shred áp dụng cho tất cả mọi người là sai, là "lùa gà" nhưng các ebook huấn luyện thay đổi hình thể của Jeff Nippard, Christian Thibaudeau, AthleanX lại không sai ? Câu trả lời của bản thân Vincent luôn là: Vì họ chỉ bán sách giá cao để bạn học và thực hành theo những hướng dẫn. Và với những kiến thức trên online của họ truyền tải, bạn đã đủ để tự thực hành như một PT mới vào nghề nên việc bạn mua để ủng hộ, mua để có sẵn một hệ thống các hướng dẫn giúp tiết kiệm thời gian, công sức mày mò hơn, điều này hoàn toàn bình thường. Còn nếu trong các giáo trình bắt buộc, bắt ép bạn phải làm điều này điều kia mới tạo ra kết quả như ý, một thứ vốn đã mơ hồ và duy ý chí nếu không đặt trong một đánh giá dựa trên hồ sơ thể chất đầy đủ, nó đã sai hoàn toàn.


Tất nhiên không phải tất cả các chương trình đều tệ và bản thân tác giả cũng không đọc hết tất cả ebook các chương trình. Và chắc hẳn các bạn có thể vẫn cảm thấy không hài lòng vì có thể tác giả, Coach Vincent, cũng là người cung cấp dịch vụ coaching online nên dẫn tới thiên kiến (bias) để đưa ra những lý do trên cũng nhằm biện minh cho bản thân để "lùa gà". Bài blog này sẽ chia sẻ về training concept và cách thức "lùa gà" để bạn hiểu thêm cách tiếp cận của các dịch vụ huấn luyện thể chất. Cả online và offline.


"Cookies Cutter" Program

Lưu ý: Bài blog-long form này dùng bổ trợ thêm cho phần Program Design, thiết kế chương trình tập, đã trình bày trước đó trong Fitness Base, dành cho các bạn trong nhóm Fitness Pros vốn đã nắm rõ các khái niệm và concept huấn luyện của Vincent. Với các bạn đọc thông thường, có thể dùng tham khảo để hiểu thêm về cách tiếp cận công việc coaching.


Những mô hình lùa gà như Vshred vận hành dựa trên việc fitness model đi cùng với những bộ óc marketing thiên tài. Bản thân Vince Saint, cá nhân đại diện cho thương hiệu V-Shred chỉ là một hình mẫu được trưng ra nhằm thu hút fan. Còn đằng sau đó là 3 thiên tài marketing lọc lõi để giúp hệ thống này vận hành và kiếm được hàng triệu đô. Thứ họ lợi dụng chính là hiệu ứng giả dược và "newbies gain" chỉ việc những người mới tập có tính thích nghi vô cùng tốt. Hay nói một cách khác, chỉ cần bạn tin tưởng và chịu tập luyện, bạn sẽ có kết quả dù tập theo YT hay tự tập với những bài tập đơn giản và cơ bản nhất.


Việc đầu tiên họ cần làm là tìm kiếm một anh chàng có hình thể lý tưởng, cách diễn đạt tốt, vui vẻ, dễ gần và quan trọng hơn, anh ta cần thể hiện sự tự tin về những khái niệm khoa học "dễ hiểu" anh ta chia sẻ để khiến bạn tin tưởng. Các khái niệm như tạng người Somatotypes, EPOC (Excess Post-Exercise Oxygen Consumption) được thần thánh hóa và hiệu quả đi kèm một thân hình đẹp để gia tăng lòng tin. Việc này rất thu hút các bạn trẻ ít kinh nghiệm, kiến thức dễ bị thao túng tâm lý.


Không chỉ ở khía cạnh quảng cáo, hiệu quả những chương trình này mang lại còn dựa trên hai nguyên tắc: Hiệu ứng giả dược và Tính thích nghi của người mới, còn gọi newbie gain. Hai nguyên tắc này rất quan trọng với việc kinh doanh và có thể giúp bạn trả lời câu hỏi, tại sao người ta luôn nhắm đến người mới.


Cơ thể con người có tính thích nghi tuyệt vời, và với người mới tập, bạn có thể coi như nhận một "cú shock" khi bắt đầu nâng tạ. Cú shock này dẫn đến việc cơ thể phải mau chóng thích nghi để đáp ứng với áp lực bạn đặt lên (Tuân theo hai nguyên lý GASSAID). Nói đơn giản, chỉ cần bạn không tập ngu, bạn cứ tập luyện sẽ có một kết quả nhất định. Kết quả này được tăng cường thêm nhờ hiệu ứng giả dược, niềm tin vào idol với đầy sự hào hứng của những người mới. Còn việc kết quả này có tốt hay không, có xứng đáng hay không, chẳng bao giờ quan trọng đối với các đơn vị bán hàng hay kinh doanh dịch vụ cả. Bạn trả tiền mua, bạn có một kết quả nhất định, vậy là xong ! Như việc khiến bạn mất nước để giảm 1,2kg/tuần bằng một viên uống thảo mộc nào đó, vậy cũng xong.


Tất nhiên thể chất của chúng ta luôn có nhiều biến số mà những mô tả sơ sài như số tuổi, cân nặng, chiều cao, mức độ hoạt động, vốn dùng để ước lượng TDEE, không thể chuyển thành mã hóa phù hợp với chuyện giảm cân hay tăng cân chung chung. Trong đó sẽ có rất nhiều người không phù hợp với các chương trình này, bao gồm cả những người không mua mà chỉ xem các kiến thức Vshred chia sẻ. Điều này tạo ra một nguy cơ dù có thể không ảnh hưởng lớn tới sức khỏe nhưng sai trái về mặt nguyên tắc. Nhưng họ để "hốt bạc" càng nhanh càng tốt buộc phải bỏ qua điều này hoặc, cứ kiếm tiền trước đi rồi tính sau. Còn các thứ khác biệt trong hồ sơ thể chất của từng khách hàng, họ vốn chẳng cần lo trừ khi gặp vấn đề khiếu nại.


Với các chương trình của VShred, theo đánh giá của nhiều huấn luyện viên khác, thậm chí không cần lo đến điều này, vì chúng vốn rất sơ sài với các bài tập căn bản được sắp xếp tùy ý, hướng tới việc sao cho mới lạ hơn việc có tính khoa học. Hiển nhiên bạn tập HIIT theo kiểu "múa may nhẹ nhàng" sẽ chẳng mấy khi có vấn đề. Còn chuyện bạn bỏ hàng trăm đô ra để mua lịch tập kiểu này, đó vốn là sai lầm bạn phải tự chịu.


Còn về bản chất, các chương trình kiểu này vốn không có bất cứ "concept" gì về mặt huấn luyện. Thậm chí có người còn nhận xét, chỉ mất 5 phút để viết ra các lịch tập kiểu này hoặc nhanh hơn nếu bạn search google với hai từ "work-out program".


"Training Concept"

Xét tới khía cạnh lịch sử, Pre-Exhausting Training, được sáng tạo ra bởi Kẻ Hủy Diệt Arnold Schwarzenegger có thể được coi như concept training đầu tiên. Concept này được ghi chép trong cuốn sách "The New Encyclopedia of Modern Bodybuilding" (Tạm dịch: Tân Bách Khoa Toàn Thư của Thể hình hiện đại), một trong những cuốn sách tạo dựng nên những nền móng lý thuyết chuyên biệt dành cho thi đấu thể hình. Trong khi đa phần các vận động viên thể hình, kể cả ngày nay, chỉ biết ăn, ngủ, tập với sự trợ giúp của các loại PED để có một thân hình "cơ bắp nhất ít mỡ nhất", cuốn sách đã mang đến những khái niệm sơ khai có tính chất "khoa học" cho việc này. Concept này của Arnold dựa trên quan niệm "gây sốc" cho cơ bắp càng mạnh càng tốt để từ đó tạo ra kích thích cần thiết. Trước khi thực hiện bài squat để tập phần cơ đùi, sẽ là một phần tập bài leg extension trên máy để khiến cơ bắp mệt nhoài từ trước (pre-exhausting) từ đó cơ bắp sẽ bị gây sốc hơn khi tập bài squat tiếp theo. Quan niệm "phá vỡ càng nhiều cơ bắp tại phòng gym càng tốt cho tăng trưởng" dẫn tới việc tìm cách gây sốc này tất nhiên không còn đúng ở thời điểm hiện tại.


P90X chính là một ví dụ tiêu biểu cho một training concept nổi tiếng, có thể được ghi vào sách vở để hướng dẫn cho các huấn luyện viên hình thể. Bản thân concept tập luyện này từng trở thành công thức cho những thân hình gây sốt trên màn ảnh Hollywood. Thậm chí đến thời điểm hiện tại, trong bộ phim Central Intelligence của Kevin Hart và Dwayne "The Rock" Johnson, concept này vẫn còn đề cập đến như một hình mẫu huấn luyện để có được thân hình cơ bắp nhất. P90X bao gồm một chuỗi các bài tập cường độ cao, được thực hiện liên tục, với thời lượng 1-1,5h một ngày và tập luyện 6-7 ngày một tuần trong vòng 90 ngày. Cốt lõi của P90X là gây shock toàn bộ hệ thống cơ thể của bạn với "circuit training", tập luyện từ bài này qua bài khác, từ loại hình này qua loại hình khác, như kickboxing qua yoga, từ khía cạnh thể chất này qua khía cạnh thể chất khác, như sức mạnh cơ bắp (strength) qua các bài tập tạ kết hợp sức bùng nổ (power) với các bài plyometrics. Để gây shock với mức độ lớn như vậy, lựa chọn P90X sẽ cần những sự thận trọng, đa phần đi kèm một huấn luyện viên chuyên nghiệp và không phù hợp với người mới hay có vấn đề về xương khớp. Tất nhiên với việc quảng cáo đi kèm các ngôi sao Hollywood, những thứ này có thể không được đề cập tới.


Trong thế giới Youtube Fitness, một ví dụ quen thuộc hơn với các bạn trẻ, chính là Jeff Nippard, người cũng phát triển theo một concept huấn luyện Powerbuilding, kết hợp giữa powerlifting và bodybuilding đi kèm với tập full-body. Cũng phải nói rõ thêm rằng, chỉ có chương trình Powerbuilding của Jeff mới có tính concept riêng, còn các chương trình khác, chưa chắc. Ít nhất là với chương trình "tăng cơ giảm mỡ" bản thân tác giả đã được tham khảo. Xuất thân là một vận động viên thể hình tự nhiên và thi đấu cả powerlifting, Jeff Nippard về chuyên môn huấn luyện được chứng nhận như một Strength Coach, theo đánh giá của tác giả, có trình độ rất tốt. Từ kinh nghiệm và kiến thức sở trường này, Jeff Nippard kết hợp hai yếu tố giữa powerlifting và các bài tập dành cho bodybuilding xây dựng cơ bắp dưới nguyên tắc: Khỏe đi kèm với tăng cơ. Xét theo các nguyên lý tăng trưởng cơ bắp, concept này đi theo hướng tạo ra áp lực cơ học kèm sự bùng nổ để kích thích tăng trưởng. Và như đã chia sẻ về nguyên lý chuyên biệt hóa, với những người mới tập, hai khía cạnh thể chất phì đại cơ bắp và sức mạnh cơ bắp có thể bổ trợ lẫn nhau, phát triển song song với nhau.


Hay như concept FST-7 của Hany Rambod dành cho các vận động viên thể hình dựa trên việc tăng cường áp lực chuyển hóa tối đa nhất kết hợp với việc quản lý, giám sát giai đoạn phục hồi.


Một concept rất thú vị song có phần ít quen thuộc hơn với các bạn trẻ là Neurotyping của Christian Thibeaudau, một Strength Coach ở đẳng cấp tinh anh thế giới, làm việc với các đội tuyển các vận động viên thể thao tầm cỡ và cả thể hình. Với kiến thức và kinh nghiệm từ tệp khách hàng của mình, Neurotyping dựa trên một nguyên lý rằng mỗi người khác nhau sẽ có "tính cách tập luyện" khác nhau. Một người vốn lười, hay e ngại, kém bùng nổ, linh hoạt sẽ khó thích ứng và theo đuổi một chương trình đòi hỏi sức mạnh cường độ cao, áp lực chuyển hóa lớn. Và trong tập luyện, sự kiên trì nhất quán (consistency) quyết định rất nhiều đến thành quả. Nên chọn ra một chương trình phù hợp với Neurotyping của bạn sẽ giúp tối ưu được vấn đề này.


Bản thân tác giả xây dựng concept Total Fitness, gắn liền tập luyện - dinh dưỡng với lifestyle, như một chuỗi mắt xích mà các yếu tố gắn chặt với nhau. Tất nhiên bản thân tác giả là một Fitness Coach, không phải một Strength Coach có thể giúp bạn trở thành vận động viên đạt thành tích cao ở các môn sức mạnh. Fitness Coaching đương đầu với lối sống hàng ngày hơn thi đấu.


Các huấn luyện viên như Jeff hay Christian, có thể được coi theo mô hình huấn luyện thể chất truyền thống, khi nghĩ tới các concept thường nghĩ tới việc tập luyện làm trung tâm, xây dựng chương trình xoay quanh việc tập luyện. Nhưng việc người tập có thích nghi với việc tập luyện hay việc tập luyện phải thích nghi với từng người khác nhau luôn trở thành chủ đề cần cân nhắc với các nhóm dân số không có lối sống gắn chặt với rèn luyện thể chất.


Đặc biệt với thời đại công nghệ hiện tại, lối sống của chúng ta đã rất khác trước kia. Và tất nhiên sức ảnh hưởng của lối sống đến sức khỏe và ngược lại, sức khỏe đến lối sống, cần phải được đánh giá lại. Các vấn đề sức khỏe từ lối sống hiện tại ngày càng nảy sinh nhiều hơn những thập kỷ trước. Đại dịch thừa cân béo phì cũng vốn được nhiều chuyên gia gọi là một bệnh chứng từ lối sống (lifestyle disease). Trong bài viết Metahuman, tác giả cũng đã đề cập qua vấn đề này.


Và bạn phải thích ứng, nhiều khi thay đổi hình thể, để có một tình trạng thể chất tốt nhất phù hợp với lối sống của mình. Tất nhiên, có những điểm trong lối sống ảnh hưởng đến sức khỏe cần phải điều chỉnh và ngược lại. Các chương trình thay đổi hình thể như Pump Hero, Qik Recomp, Jacked Up hay 6paks Protocol đều hướng tới việc này đi kèm theo tính kinh tế trong huấn luyện (Training Economy). Với cuộc sống bận rộn và mục tiêu không phải để thi đấu của hầu hết mọi người, việc "hành xác" cả thể chất và tinh thần 6 ngày/tuần tại phòng gym vốn đã sai về nguyên tắc huấn luyện. Concept này cũng đặt mối quan hệ giữa Fitness & Lifestyle lên trên hết và hướng tới việc làm mối quan hệ đó ngày càng lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn, tối ưu hơn. Về mặt triển khai chính là cụ thể hóa bằng việc tìm ra điểm cân bằng, xây dựng nền tảng thể chất và nâng cao mind-body-spirit để từ đó đạt được một tình trạng tốt nhất cho cuộc sống của bạn.


Cách tạo training concept cho bản thân

Bạn có thắc mắc tại sao FST-7 được chia sẻ miễn phí nhưng rất nhiều người không tập luyện theo được ? Vì mấu chốt của việc thực hành theo một concept nằm ở việc hiểu rõ nó một cách cụ thể đến mức nào chứ không nằm ở việc dựa vào cảm giác thấy "rất pump". Mọi người hay nói phù hợp nhất là tốt nhất nhưng làm thế nào biết một thứ phù hợp nhất với mình mà không phải mất thời gian "thử sai" ? Concept tốt nhất chính là concept bản thân hiểu rõ.


Tất nhiên nhiều bạn có thể thấy việc này kiểu phức tạp hóa vấn đề đơn giản "cứ ăn và tập thôi" nhưng nếu bạn làm PT/Coach mà không có cách tiếp cận riêng, concept riêng, tôi khẳng định bạn sẽ khó tiến xa trong nghề nghiệp hoặc nâng cao thu nhập từ chuyên môn. Việc có concept và cách tiếp cận riêng giúp bạn làm chủ công việc của mình và gây ấn tượng với cả khách hàng tốt hơn.


1. Một mục tiêu thể chất cụ thể rõ ràng. Ở đây cần phải nhắc lại là mục tiêu thể chất, không phải mục tiêu ngoại hình. Như ở concept PowerBuilding của Jeff Nippards, mục tiêu cần hướng tới việc nâng thành tích và độ thuần thục các bài powerlifting kết hợp với các bài cô lập bổ trợ để từ đó tạo ra hiệu quả tăng trưởng về mặt cơ bắp cả về sức mạnh lẫn độ phì đại. Mục tiêu của FST-7 là tăng cơ bắp với điều kiện tốt nhất dành cho những người yêu thích thể hình. Mục tiêu của Neurotyping là tạo ra một chương trình rèn luyện sức mạnh mà dựa vào việc phân hóa kiểu "tính cách tập luyện" giúp người tập gắn bó lâu dài nhất.


2. Chọn thế mạnh của mình làm cốt lõi của concept. Nếu bạn hiểu rõ về powerlifting hay sport conditioning hướng tới một môn thể thao nào đó, bạn có thể lấy chúng làm xương sống cho concept của mình. Còn nếu bạn mạnh về dinh dưỡng, như các bạn nutritionist, nutrition coach, bạn có thể chọn các kế hoạch dinh dưỡng làm điểm trung tâm. PT với Fitness Coach cũng sẽ có thế mạnh khác nhau ở phần này. Tại sao tôi lại phải kê đơn tập luyện với một lịch tập như thế này cho một mục tiêu, một nhóm đối tượng. Cùng một bài Bench Press, mỗi người tập sẽ đều khác nhau, kể cả góc độ kỹ thuật lẫn hiệu quả, vậy yếu tố cốt lõi nằm ở việc tìm ra cách tối ưu nhất cho bài tập này hay cứ phải thay đổi bài tập với mỗi người khác nhau ? Những câu hỏi như vậy giúp bạn tìm ra cách tiếp cận và thế mạnh riêng của bản thân.


3. Có một khía cạnh mang lại hiệu quả rõ rệt, cụ thể trong concept của mình. Không chỉ để PR, việc xây dựng lên các concept huấn luyện tất nhiên đều cần có gì mới để mang lại hiệu quả tốt hơn các chương trình khác. Vì nếu không có gì mới, gây hứng thú hơn, bạn không cần mất thời gian cho chuyện này làm gì. Intermittent Fasting đi kèm với hàng loạt cách triển khai như 16:8, 20:4, 5:2 hay cách ngày chẳng hạn. Keto Diet khác với các loại hình ăn Low-Carb khác nhờ dựa vào quá trình "ketogenesis" khi lượng đường huyết hạ thấp và không được nạp thêm chẳng hạn. Tất nhiên, những nguyên lý này cần dựa trên khoa học và bằng chứng khoa học đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu và được đông đảo cộng đồng chấp nhận.


4. Thêm vào các yếu tố bổ trợ để giúp mang lại hiệu quả và hạn chế các ảnh hưởng xấu. Nếu bạn lấy dinh dưỡng làm chủ đạo, chắc chắn bạn vẫn cần có phần hướng dẫn tập luyện để hỗ trợ thêm cho concept của mình. Tất nhiên mọi thứ phải kết hợp với nhau tránh chuyện tập quá mức dinh dưỡng có thể đáp ứng hoặc ngược lại. Chưa kể phải thêm vào các yếu tố lifestyle, một thứ rất quan trọng trong thế giới hiện đại.


5. Đóng gói thời gian. Dù bạn có hiểu về huấn luyện phân kỳ hay không, bạn cũng cần đóng gói thời gian chương trình huấn luyện của bạn. Có thể là 90 ngày như P90X hay theo mùa cutting/bulking của vận động viên thể hình. Một chương trình huấn luyện không có hạn định có nghĩa huấn luyện viên không nắm chắc hoặc biết rõ mình phải làm gì tiếp theo hay chương trình sẽ đi đến đâu. Đây cũng là yếu tố khiến cho các chuyên gia bất bình với các loại hình ăn kiêng được quảng bá theo mốt như Ăn Thô Fruitarian, Keto Diet...vì sự mù mờ không rõ hạn định. Một chương trình mà mỗi người khác nhau cần thời gian khác nhau và hiệu quả cũng khác nhau cho thấy bản chất lý thuyết khung tạo nên xương sống của chương trình đó có vấn đề.


6. Kết quả thể chất cụ thể. Chưa nói tới concept, một chương trình huấn luyện nếu chỉ có kết quả chung chung mơ hồ như giảm 10kg/tháng hay lấy tiêu chuẩn hình thể làm kết quả, đó là một sự đánh cược trên sức khỏe. Đặc biệt là các chương trình lấy hình thể của bản thân người huấn luyện viên ra làm tiêu chuẩn cho sự thành công. Chắc hẳn bạn phải hiểu rằng, nếu xét về thành công ở khía cạnh hình thể, Cbum, Jeremy Buendia, những nhà vô địch Mr.Olympia ở hạng mục thi của họ mới là tiêu chuẩn cao nhất. Nhưng chắc chắn sẽ không có concept hay chương trình huấn luyện nào để giúp bạn thành Cbum hay kể cả những fitness model đình đám nhất trên TG. Kết quả thể chất của một concept cần cụ thể hóa, cá nhân hóa với rất nhiều chỉ số để giúp theo dõi, điều chỉnh. Giống như concept của 6paks protocol dựa theo mức độ %body fat giảm xuống tương ứng 20-15-12-10% chia ra thành những phân kỳ để kiểm soát giúp đạt được chuyện này.


Tất nhiên tập luyện để nhìn săn chắc hơn, đẹp lên theo một tiêu chuẩn chung đương thời là nhu cầu chính đáng. Nhưng không thể lấy một tiêu chí mang tính chủ quan của người khác để áp đặt cho sự thành công trong một chương trình. Trừ trường hợp "tự luyến" quá cao mới nghĩ rằng hình thể của mình là một tiêu chuẩn gì đó đẹp nhất mà mọi người phải hướng đến.


7. Nhóm hồ sơ thể chất phù hợp. Dù giảm cân, tăng cơ hay chỉ rèn luyện thể chất cơ bản, không có một chương trình áp dụng hết cho tất cả mọi người. Kể cả các concept huấn luyện tốt nhất, dễ ứng dụng nhất cũng chỉ đáp ứng được một nhóm đối tượng cụ thể.


Có rất nhiều biến số khác nhau trong cuộc sống của một đối tượng, ví dụ như việc thời gian tập, thời gian ăn khác nhau. Cùng số tuổi 27, chiều cao 1m6, cân nặng 80kg, cùng 20% body fat, cùng cần giảm cân, nhưng một người chỉ có thể tập luyện vào buổi sáng và bận rộn chuyện công việc, gia đình tới tối sẽ khác một người có thể thoải mái tập luyện với lối sống nhàn hạ.


Một chương trình giống như một bộ khung nên nếu cái gì cũng tùy biến được, linh hoạt được, sẽ phá nát bộ khung đó. Đây cũng là lí do các chương trình kiểu như Jeff Nippard sẽ hướng tới đối tượng người mới tập, chủ yếu dựa vào nguyên lý "cứ tập sẽ có hiệu quả thay đổi". Còn một concept giảm cân đúng nghĩa, sẽ cần nhìn vào hồ sơ thể chất phù hợp hay không. Có thể có một vài khoảng linh hoạt nhất định nhưng không phải tất cả mọi người đều phù hợp. Như concept Qik Recomp giúp giảm cân nhanh cho người mới tập khỏe mạnh (kinh nghiệm dưới 1 năm), nếu bạn thuộc nhóm trên 25% body fat, sức khỏe thể chất yếu, sẽ không phù hợp với bạn. Bản thân tác giả từng từ chối nhiều trường hợp các bạn sinh viên ở Nhật phải làm đêm, ngày đi học bận rộn nhưng muốn theo 6paks protocol.


Tất nhiên nhưng loại hình "giảm cân theo mốt" hay các chương trình chỉ có cái tên để PR có thể đáp ứng được với tất cả mọi người. Vì đây chỉ là chiêu trò marketing, vốn tập trung vào việc thu hút khách hàng đăng kí trả tiền trước, còn lại khi khách hàng gặp vấn đề gì sẽ xử lý sau. Với các vấn đề về tập luyện, chỉ cần bạn không khiếm khuyết về vận động, sẽ dễ dàng thích nghi. Nhưng đừng quên rằng, dinh dưỡng và lối sống mang tính cá nhân rất cao.



Fitness Base - nền tảng kiến thức chuyên nghiệp tiêu chuẩn quốc tế dành cho PT/Coach


Training Concept vs Online Coaching


Trái với nhiều người nghĩ, Coaching qua các phương tiện Internet đã có từ thời email bắt đầu phổ biến tại Mỹ từ những năm 1990. Những vị huấn luyện viên thể hình hàng đầu của cuộc thi Mr.Olympia chính là những người tiên phong cho việc trao đổi huấn luyện qua email. Các vận động viên cập nhật hình ảnh, thông tin gửi qua email theo định kỳ đã thỏa thuận. Coach xem để đánh giá tiến trình và gửi lại các lưu ý, thay đổi nếu cần.

Coaching online về bản chất, theo kinh nghiệm của tác giả, chỉ việc dùng các phương tiện online để có thể bỏ qua các rào cản về địa lý và nhiều khi cả ngôn ngữ giữa huấn luyện viên và khách hàng/học viên. Và theo thời gian phát triển, ngày nay một huấn luyện viên có rất nhiều công cụ để có thể trao đổi, hướng dẫn thậm chí theo sát khách hàng online.


Thêm nữa, Coaching online cũng không phải chỉ việc quăng ra một lịch tập cho khách hàng sau vài câu hỏi trao đổi qua lại. Bản chất quy trình coaching online cũng không khác gì offline khi phải theo dõi, cập nhật, điều chỉnh hàng tuần, thậm chí hàng ngày.


Tất nhiên với các PT chủ yếu hướng tới việc bán các lịch tập cho nhiều người nhất trên online, các bước trên sẽ bị bỏ qua. Các lịch tập được gán mác tối ưu, cá nhân hóa vẫn được các "idol" rao bán nhưng thực chất "tối ưu", "cá nhân hóa" đến đâu và dựa trên nguyên lý gì, không ai biết được. Có những bên có đầu óc hơn còn đi mua các ebook của Jeff Nippard, Christian Thibeaudau rồi dịch ra tiếng Việt để bán lại kiếm lời.


Nhưng dù có tối ưu hay cá nhân hóa chỉ qua việc tập luyện như vậy cũng không phải "coaching", không đúng khái niệm "coaching". Kể cả các ebook có training concept tốt cũng không phải coaching online mà chính là bán các lịch tập mà thôi. Bản chất của việc coaching nằm ở theo dõi, điều chỉnh và hướng dẫn theo từng giai đoạn dù bạn có huấn luyện phân kỳ hay chỉ đơn giản đóng gọi thời gian dịch vụ trong 90 ngày. Một lịch tập tốt nhất cũng cần phải thực hành mới biết nó tốt như thế nào.


Và kể cả cùng một bài Bench Press, mỗi người thực hiện sẽ đều khác nhau, vì hồ sơ thể chất khác nhau, cơ địa khác nhau, mục tiêu khác nhau và thói quen tập luyện khác nhau. Ví dụ này cũng để trả lời cho việc Chúng ta không cần thiết phải có các bài tập "làm xiếc" để gắn mác tối ưu hóa, cá nhân hóa như những idol trên online thường rao giảng. Nghe có vẻ mâu thuẫn vì các chương trình "cookies cutter" kiểu V-Shred cũng vốn chỉ chứa các bài tập đơn giản cho nhiều người. Nhưng thực ra, coaching nằm ở việc tạo ra một cái khung chương trình rồi từ đó hướng dẫn, điều chỉnh thông qua việc thực hành, cập nhật của học viên để từ đó họ có được kiến thức, kinh nghiệm thực hành tốt hơn, giúp đạt được các mục tiêu đề ra tốt hơn. Bản chất lịch tập kiểu V-Shred không có một concept nhất định, không có cách sắp xếp bài tập đúng các nguyên lý, ví dụ cho người béo phì tập HIIT kèm theo hàng loạt bài ảnh hưởng xương khớp, chứa các bài tập "làm xiếc", có thể coi là một bộ khung rất tệ để bắt đầu.


Coaching Online Concept

Một điều tất cả mọi người đều đồng ý rằng, hướng dẫn tập luyện "qua mạng" sẽ rất khác hướng dẫn trực tiếp. Ngoài chuyện có thể tự tay đụng chạm vào khách hàng để chỉnh và minh họa cho họ tư thế đúng, hướng dẫn trực tiếp có thể mang lại nhiều động lực hơn với nhiều người. Đồng thời chắc chắn khách hàng có sự an tâm hơn khi có sẵn một PT trợ giúp khi cần. Và coaching online, dù có concept tốt đến cỡ nào, cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi điều đó. Những "tiếng quát nạt tạo động lực" tại phòng gym mang lại hiệu quả lớn hơn các bạn tưởng tượng. Tất nhiên những điều này không giống với những âm thanh mang tính diễn xuất trong các video truyền động lực.


Nhưng khi không có sự trực tiếp này, chúng ta làm thế nào để huấn luyện đạt hiệu quả tối ưu ?


Việc tạo một kế hoạch dựa trên hồ sơ thể chất của khách hàng để dựa trên đó làm việc chung cộng thêm những trao đổi tin nhắn online có thể là một giải pháp tốt và được áp dụng phổ biến. Nhưng một lịch tập đi kèm kế hoạch dinh dưỡng và các chỉ dẫn có thể sẽ phải điều chỉnh nhiều lần hoặc vốn tiềm ẩn những nguy cơ can thiệp lẫn nhau giữa các yếu tố. Một chế độ ăn giàu protein không được sắp xếp đúng cách và phù hợp với liều lượng tập luyện, lifestyle hàng ngày có thể khiến khách hàng béo lên và tăng được lượng cơ bắp rất ít. Nhưng đồng thời một chế độ ăn low-carb đi kèm với các chất béo lành mạnh lại có thể mang lại hiệu quả nâng cấp sức khỏe và hình thể rõ nét nhất.


Con người là một thực thể "năng động" rất lớn với nhiều thay đổi sinh lý mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi giai đoạn. Cân nặng, sự sung sức, tình trạng thể chất luôn ở trong một khoảng biến thiên chứ không phải con số cố định. Chúng ta chỉ có thể dựa trên những điều đã biết tương đối, những chỉ số tại thời điểm đo để đưa ra các ước lượng tốt nhất hướng tới mục tiêu cần đạt được. Nên hiển nhiên, huấn luyện online không thể áp dụng cách tiếp cận mang tính theo sát các chỉ số hiệu suất tập luyện từng ngày như offline. Việc tập tới mức thất bại với các bài tạ nặng có thể dễ dàng thực hiện khi có sự động viên và hỗ trợ của PT nhưng khi để tự mình thực hiện, nó không phải lựa chọn tốt. Ít nhất không dành cho tất cả các bài tập hay dùng Hệ thống RPE để đo lường.


Việc tạo ra một concept huấn luyện có thể hình dung như việc tập hợp các chiêu thức, thế võ của các loại võ thuật khác nhau để hình thảnh nên các trường phái hoặc môn võ riêng. Hiển nhiên Vịnh Xuân Quyền khác Hình Ý Quyền hoặc Triệt Quyền Đạo của Bruce Lee sau này. Chúng ta đều có thể có được hiệu quả rèn luyện sức mạnh cực tốt từ việc theo đuổi bất cứ bộ môn nào ở ví dụ trên. Và hiển nhiên trong fitness, chúng ta đối diện với cuộc sống, sự già yếu chứ không phải một trận tỷ thí võ đài. Các coaching/training concept dù offline hay online đều cần có cho mình một bộ khung hướng dẫn và các triết lý, cách tiếp cận làm nền tảng riêng cho nó.


Coaching Online System

Quay lại vấn đề được hỏi ở đầu bài blog, làm thế nào để PT//coach có thể tối ưu hóa sức làm việc mà không phải hi sinh thêm quỹ thời gian ? Câu trả lời nằm ở hệ thống huấn luyện. Nhưng trước khi đi sâu vào hệ thống huấn luyện online, cần trả lời những câu hỏi căn bản sau trước.


Fitness Coach khác PT ở điểm gì ?

Để hiểu được những điều trên, cần hiểu rõ các khái niệm nghề nghiệp chuyên môn cơ bản. Tùy thuộc vào từng hệ thống và cả cách tiếp cận kinh doanh, khác biệt giữa Fitness Coach và PT có thể không rõ ràng hoặc chồng chéo lên nhau. Đặc biệt ở Việt Nam, hai từ coach và fitness thường được sử dụng "lầm lẫn" trong khía cạnh chuyên môn. Ở đây tác giả sẽ trình bày theo kiến thức từ hệ thống bản thân từng được đào tạo và cách hiểu chung theo tiêu chuẩn của cộng đồng huấn luyện quốc tế.


I. Định Nghĩa PT và Fitness Coach

- PT: Một huấn luyện viên chuyên nghiệp được chứng nhận làm việc với các cá nhân để tạo ra và hướng dẫn thực hiện các kế hoạch tập luyện theo nhu cầu cá nhân hóa.

- Fitness Coach: Một chuyên gia làm việc với các cá nhân để cải thiện thể chất và sức khỏe tổng thể của họ, thường kết hợp các yếu tố ngoài tập luyện thể lực đơn thuần.


II. Chuyên môn hóa và Mục tiêu chính

- PT: Tập trung hơn vào thể lực và giúp khách hàng đạt được các mục tiêu tập luyện cụ thể, chẳng hạn như giảm cân, tăng cơ hoặc cải thiện sức bền qua tập luyện.

- Fitness Coach: Tập trung vào sức khỏe tổng thể và sinh lực, bao gồm cả thể chất, tinh thần và cảm xúc. Các mục tiêu có thể bao gồm thay đổi hình thể, nâng cao thể chất, tối ưu dinh dưỡng, giảm stress hoặc cải thiện sinh lý, giấc ngủ.


III. Đào tạo và chứng nhận

- PT: Thường yêu cầu chứng nhận thông qua một tổ chức được công nhận, chẳng hạn như ISSA, NASM hoặc ACE. Việc đào tạo tập trung vào tập luyện, giải phẫu, sinh lý học và thiết kế chương trình tập luyện.

- Fitness Coach: Các yêu cầu về chứng chỉ chuyên môn mỗi nơi có thể khác nhau, như ISSA có chuyên môn riêng, NASM thì theo cấp độ PT học lên, nhưng thường bao gồm kiến thức về các lĩnh vực như xây dựng thể chất, dinh dưỡng chuyên sâu, quản lý căng thẳng và huấn luyện lối sống.


IV. Phạm vi thực hành

- PT: Tập trung ưu tiên vào thể lực và có thể cung cấp hướng dẫn về các yếu tố kế hoạch tập luyện, dinh dưỡng và lối sống ảnh hưởng đến mục tiêu tập luyện đã đề ra.

- Fitness Coach: Có thể cung cấp hướng dẫn về nhiều yếu tố sức khỏe và thể chất, bao gồm dinh dưỡng chuyên biệt, kiểm soát căng thẳng, sinh lực và lối sống tổng thể.


V. Khách hàng

- PT: Thường làm việc với những cá nhân có mục tiêu tập luyện cụ thể, chẳng hạn như người tập thể hình, những người muốn giảm cân hoặc cải thiện thành tích thể dục.

- Fitness Coach: Có thể làm việc với nhiều đối tượng khách hàng hơn, bao gồm cả việc tìm cách cải thiện sức khỏe tổng thể và sinh lực, thay đổi hình thể theo hướng lâu dài, thay đổi lối sống, kiểm soát hoặc cải thiện các tình trạng sức khỏe mãn tính.


VI. Cấp độ phân biệt

- Giữa hai chuyên môn không có phân ra cấp độ cao thấp với nghĩa ngành này cao cấp hơn ngành kia. Nhưng trong hầu hết các hệ thống đào tạo, mọi người sẽ học làm PT trước khi học lên Fitness Coach.


Nhìn chung, mặc dù có một số điểm trùng lặp giữa vai trò của PT và Fitness Coach, nhưng điểm khác biệt chính là sự tập trung vào thể lực tại một thời điểm so với xây dựng nền tảng sức khỏe tổng thể và sinh lực. Huấn luyện viên cá nhân có xu hướng tập trung vào các mục tiêu tập luyện cụ thể và có thể cung cấp hướng dẫn về tập thể dục và kế hoạch dinh dưỡng, trong khi Fitness Coach có cách tiếp cận toàn diện hơn đối với sức khỏe và thể chất.


Kỹ năng nào làm nên sự khác biệt ?

Công việc của PT và Fitness Coach là gì ? Là hướng dẫn thực hành. Vậy kĩ năng nào các bạn cần phải trau dồi, nâng cấp ? Giao tiếp ? PT và Fitness Coach đều kiếm tiền từ khách hàng, vậy họ có cần kỹ năng bán hàng như nhân viên sale ?


KHÔNG PHẢI. "Coaching is not selling" cũng không phải một câu nói suông để PR, hô hào vì nó còn ẩn chứa một vế sau rất quan trọng với người làm nghề huấn luyện viên: "Coaching is all about reading". Đọc hiểu tài liệu, đọc hiểu tình huống và quan trọng hơn, đọc hiểu khách hàng.HLV cũng phân biệt với nhân viên Sales tại điểm này. PT và Fitness Coach phân biệt với nhau tại khía cạnh đọc khách hàng sâu đến đâu và như thế nào.


Hiển nhiên các bạn đã quen với mô hình đọc khách qua máy Inbody nhưng chắc các bạn cũng biết những thiếu sót của thiết bị này. Vậy tại sao các trung tâm với hàng tá PT có bằng cấp, chứng nhận kể cả từ NASM, ACE vẫn phải sắm nó về ? Vì thiếu kỹ năng đọc khách hàng. Hãy thử đặt câu hỏi vậy nếu không có máy Inbody, chúng ta sẽ không thể huấn luyện hay sao ?


Câu trả lời chắc chắn các bạn đã biết là không. Những cỗ máy không thay thế được việc đọc hồ sơ thể chất của khách hàng. Dù trình độ của bạn có thể chỉ dừng ở mức hiểu cơ bản dẫn đến bị phụ thuộc vào máy móc, vấn đề cũng không nằm ở bản thân kỹ năng này. Giống như ví dụ tôi đã đưa cho các bạn trong Fitness Base, các bạn nghĩ sao về việc chỉ từ một bài tập push-up, có thể đọc ra hàng loạt vấn đề thể chất, sức mạnh, độ linh hoạt cơ bắp và cả tâm lý, tinh thần của khách hàng. Bạn không phải cần thêm các loại máy hay các bài kiểm tra phức tạp cho việc nhìn ra những điểm cần cải thiện từ khách hàng. Chỉ trừ khi trình độ đọc khách hàng của bạn còn non kém.


Việc này cũng phân cấp giữa PT và Fitness Coach vì Fitness Coach thực ra cần đọc nhiều hơn từ hồ sơ thể chất của khách hàng. Và khi "master" kỹ năng này, bạn đã có được một vũ khí lợi hại nhất trong quá trình huấn luyện của mình. Master Trainer không phải học thêm nhiều chứng chỉ phụ, nó còn nằm ở việc phát triển ra những concept xoay quanh kỹ năng này. Việc có thể viết ra những concept huấn luyện tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, giá trị cao hơn, cũng nằm ở khả năng này.


Một hệ thống huấn luyện giúp khách hàng hiểu sâu hơn, thực hành tốt hơn, ít tốn thời gian hơn, cũng nằm ở kỹ năng này của người tạo ra hệ thống đó. Ví dụ ở đây là Total Fitness System với các khóa học thay đổi hình thể. Tại sao gọi là khóa học, vì với tôi, không gì hiệu quả hơn việc học và nắm rõ mình cần làm gì để hình thành những thói quen tốt cho lâu dài. Kết quả từ việc học hiểu luôn bền vững hơn, có thể nâng cấp cao hơn một khóa PT chỉ để đạt một kết quả ngắn hạn.


Còn chuyện bạn nghĩ cho khách hàng học sẽ tốn thời gian, đó là khi chưa có hệ thống và kỹ năng đọc khách hàng tốt. Hay nói cách khác, bạn chưa hiểu đúng về kỹ năng mình cần làm chủ. Vì khi không biết đọc khách hàng tốt, công cụ duy nhất bạn thường hướng tới là tập luyện. Tại sao người ta không chịu đi tập ? Vì nó tạo cảm giác nặng nhọc và đi ngược lại "thiên tính" tiết kiệm năng lượng của các cơ thể sống. Nhất là khi chỉ có một công cụ, các PT thường đẩy nó lên mức độ cao hơn thông thường và bỏ quên đi tính hiệu quả-tiết kiệm, (training economy). Khi đã phải bỏ tiền, bỏ thời gian ra nhưng vẫn phải bỏ sức nhiều hơn, ít nhất về mặt cảm giác, kháng lực tâm lý của khách hàng sẽ rất lớn.


Đó cũng là lý do khách hàng tìm đến sự thoải mái và dễ bị "lùa gà". Việc của bạn, tất nhiên không phải đi trách móc họ mà cần tìm ra cách tiếp cận đúng đắn hơn. Hãy tìm cách trau dồi kiến thức để đọc khách hàng tốt hơn. Huấn luyện viên học chuyên sâu về dinh dưỡng không phải để biết các "superfood" hay các mẹo vặt thần thánh nào đó, thứ vốn không có hiệu quả lớn thực sự. Bạn học để có thêm công cụ giúp sửa chữa những sai lầm khác hàng mắc phải. Khi đọc ra sai lầm của khách hàng và cung cấp cho họ thêm nhiều công cụ, chính là sự thoải mái họ đang tìm kiếm. Hãy luôn nhớ rằng, huấn luyện cũng liên quan vấn đề tâm lý và đọc khách hàng cũng vậy. Khi cảm thấy thoải mái hơn, không chỉ nhờ việc biết rõ mình có nhiều lựa chọn mà còn hiểu rõ về các lựa chọn ấy, khách hàng sẽ dễ đạt được mục tiêu hơn.


Các khách hàng online tham gia khóa huấn luyện luôn cảm thấy thoải mái hơn, vì họ không cảm thấy áp lực về việc đến phòng tập và bị huấn luyện viên "hành" nặng nề. Họ cũng sẽ tốn ít thời gian hơn cho các vấn đề không liên quan. Điều này cũng giảm áp lực cho huấn luyện viên. Và khi có sự hỗ trợ của online, yếu tố này sẽ được tăng cường. Cũng phải nói thêm, kể cả với những khách hàng thích kiểu PT "babysitting" chăm bẵm nhắc nhở từng ly từng lý, việc đọc khách hàng cũng giúp xây dựng hệ thống huấn luyện tiết kiệm thời gian hơn.


Có một thứ khiến khách hàng dễ gặp áp lực là các câu hỏi từ người xung quanh về quá trình thay đổi hình thể của họ. Khi họ không thể thoải mái nói về các lựa chọn được huấn luyện viên hướng dẫn vì bị mù thông tin, họ sẽ dễ gặp phản đối, nhiễu loạn thông tin và cảm thấy nghi ngờ. Nhất là với những em nhỏ, người có gia đình hoặc đang trong một mối quan hệ thân mật. Và chắc chắn áp lực này khách hàng, vì tế nhị, ít khi chia sẻ cho huấn luyện viên. Nhất là những bạn chưa biết đọc khách hàng một cách tốt nhất.


Hệ thống coaching online của Coach Vincent chính dựa trên việc trang bị các công cụ để hình thành quy trình đọc khách hàng nhanh nhất và tốt nhất. Đây cũng là lý do, việc xây dựng hồ sơ thể chất và hướng dẫn các bạn PT đọc nó trở thành nền tảng ưu việt cho hệ thống Fitness Base với concept Total Fitness. Khi bạn hiểu cách đọc hồ sơ thể chất, bạn sẽ có một concept phù hợp với nhóm hồ sơ thể chất đó như một giáo trình dạy học. Khách hàng phù hợp sẽ dựa trên việc thực hành giáo trình đó sẽ nâng cao được kiến thức và kinh nghiệm quý giá để áp dụng lâu dài. Kiến thức, kinh nghiệm này có được từ đâu ? Chính nhờ việc trao đổi, hướng dẫn, điều chỉnh của Coach.


Trong giáo trình cũng có sẵn tính phân kỳ để mọi người có thể theo dõi, biết được mình cần làm gì. Và nó cũng có sự linh hoạt chứ không cứng nhắc theo kiểu bắt buộc ăn món gì, tập như thế nào. Tất nhiên cần phải có một khuôn khổ chứ không thể thay đổi tùy ý. Nhưng việc cứ phải tìm ra một bài tập "thần kỳ" nào đó là không cần thiết. Ví dụ khi khách hàng không tập được bench press với trọng lượng chỉ 20kg, bạn sẽ từ việc đọc khách hàng để tìm ra cách giúp họ tập bài đó ngày càng tốt hơn. Chứ bạn không cần phải tìm ra một bài thay thế và mặc định nghĩ rằng khách hàng sẽ làm nó tốt hơn một bài cơ bản như bench press. Hãy luôn nhớ ví dụ này.


Cũng phải nói thêm, với concept Total Fitness, ở đây sẽ tập trung tác động đến tất cả các khía cạnh ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe hiện tại khách hàng để tạo ra hiệu quả tối ưu nhất. Phối hợp chuỗi mắt xích Tập luyện-Dinh dưỡng-Nghỉ ngơi- Lifestyle tạo thành một bộ công cụ tối ưu hướng tới mục tiêu tiết kiệm thời gian, kinh phí và trang bị kiến thức lâu dài. Để làm được việc này cần một quy trình đọc-huấn luyện tốt nhất, nhanh nhất và bộ công cụ tối ưu hóa quy trình này.


Về quy trình làm việc của hệ thống này, chắc nhiều bạn tham gia cả FNB và các khóa thay đổi hình thể như PACS, CPN, Power Mass... cũng đã rõ. Nó đi theo các bước như sau:

  • Đọc hồ sơ thể chất của khách hàng,

  • Tư vấn các điểm cần khắc phục, thay đổi

  • Chọn mục tiêu phù hợp, cụ thể hóa mục tiêu qua hồ sơ thể chất, giúp khách hàng hiểu rõ mình cần làm gì trước nhất, ngắn hạn và dài hạn

  • Sau đó, khách hàng có thể lựa chọn một concept huấn luyện phù hợp. Nhiều trường hợp sẽ cần tới huấn luyện chuyên biệt hoặc nhiều hơn một concept. Ví dụ từ béo phì muốn có sáu múi trước hết phải khỏe mạnh hơn, xây dựng một nền tảng thể chất tốt trước khi tham gia cutting 6 múi chẳng hạn.

  • Rồi từ việc hiểu rõ lựa chọn, mục tiêu trước mắt và lâu dài, khách hàng sẽ được huấn luyện viên điều chỉnh, hướng dẫn qua các lần cập nhật kết quả hàng ngày hoặc hàng tuần tùy trường hợp cho tới khi đạt từng mục tiêu.


Việc này chắn chắn dễ dàng và hiệu quả hơn việc với mỗi người lại quăng ra một lịch tập sơ sài mà bản thân huấn luyện viên cũng chẳng nhớ nổi tại sao cần như vậy ? Hãy lưu ý rằng việc một tháng bạn làm việc với 1 vài khách hàng sẽ khác với 30 khách hàng, 100 khách hàng. Tất nhiên, không có nghĩa làm việc với ít khách hàng hơn sẽ mang đến hiệu quả tốt hơn cho cả hai phía PT và khách hàng. Có những người chỉ có thể làm việc với vài khách hàng một lúc mà không thể phát triển tốt hơn được. Điều này dẫn đến vấn đề chạy đua số lượng, để quên chất lượng. Vấn đề nằm ở cách bạn vận hành hệ thống huấn luyện của mình, tìm ra những điểm giúp tiết kiệm thời gian và công sức.


Cuối cùng, mục tiêu của hệ thống coaching online là tạo ra những bộ quy trình cùng những công cụ tiên tiến để giúp không chỉ việc giao tiếp với khách hàng, mà việc hướng dẫn, theo dõi và giúp khách hàng đạt mục tiêu sức khỏe thể chất toàn diện tối ưu nhất.



Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


© Copyright
bottom of page