top of page

Thức ăn nhân tạo - Giấc mơ về hạt đậu thần Senzu


Nếu bạn nào yêu thích bộ phim Ma trận (the Matrix) chắc hẳn còn nhớ hình ảnh Keanu Reeves ngỡ ngàng thế nào khi được nhận loại thức ăn đến từ "thế giới tương lai" - một loại cháo dinh dưỡng màu trắng đục không mùi vị thay thế cho thực phẩm và thức ăn truyền thống của con người. Trong một thế giới khoa học viễn tưởng khi trái đất cạn kiệt các nguồn tài nguyên và loài người được sử dụng để tạo ra những cục pin, sẽ không có chỗ cho đầu bếp Michelin trổ tài. Hay như hạt đậu thần Senzu có thể giúp chúng ta no 10 ngày trong chuyện Bảy viên ngọc rồng huyền thoại, ước mơ tạo ra thức ăn dường như đã trở thành mục tiêu cao cả của toàn bộ ngành khoa học dinh dưỡng non trẻ của loài người.


Trong bài viết này, Vincent sẽ chia sẻ cùng bạn những sự thật khoa học thú vị về thức ăn nhân tạo và sự kì diệu của dinh dưỡng.


Vậy tại sao lại cần tạo ra thức ăn nhân tạo ?


Thực ra từ rất nhiều thế kỷ trước đây, ý tưởng về thực phẩm nhân tạo đã thực sự nảy sinh trong rất nhiều bộ óc cấp tiến. Ước mơ biến chì thành vàng của các nhà giả kim thuật cũng không cháy bỏng bằng ước mơ tạo ra thứ có thể thay thế đồ ăn hơn khi dân số ngày càng tăng nhanh trong khi chúng ta vẫn phải chờ ít nhất 3-4 tháng để thu hoạch một vụ mùa.


Bạn sẽ không bao giờ thấy một con sư tử có nhu cầu ăn thêm vài cái sườn hay những miếng bít tết linh dương. Con người chính là loài háu ăn nhất trên trái đất và chúng ta sinh sôi nhanh cũng không kém bất cứ loài côn trùng nào !


Có thể các bạn chưa biết, nông nghiệp là nguồn gây ra tới 14,5% lượng khí thải nhà kính, chiếm dụng 50% diện tích đất ở của loài người và 70% lượng nước sử dụng toàn cầu. Ngoài việc tiết kiệm vô số thời gian cho việc chuẩn bị mùa màng và các bữa ăn, thức ăn nhân tạo thực sự sẽ giải quyết được vô số khủng hoảng. Tất nhiên các bác nông dân cũng không cần lo lắng vì thực tế, điều này còn rất xa vời và dù thức ăn có được tổng hợp ra từ các nhà máy, cũng vẫn cần sức lao động khổng lồ mới đủ để cung cấp cho toàn bộ 8 tỷ cá nhân háu ăn trên toàn cầu.


Từ bánh lương khô của lính Mỹ đến sản phẩm thức ăn bán tổng hợp:


Từ những năm 1920s, tại Mỹ đã xuất hiện khái niệm "Meal Pill" để chỉ những viên uống tổng hợp dùng thay thế bữa ăn.


Tới năm 1936, những bánh lương khô K-rations do Ancel Keys, một trong những nhà dinh dưỡng (nutritionist) tiên phong trên thế giới phát triển đã theo những người lính Mỹ rong ruổi khắp năm châu. Tất nhiên những chiếc bánh lương khô làm từ kẹo cứng, socola, xúc xích khô và bánh quy này không phải thực phẩm nhân tạo nhưng đã tạo ra cuộc cách mạng lớn trong ngành thực phẩm bổ sung, thay thế bữa ăn.


Tiếp theo đó, với những thành công trong việc tạo ra các loại vitamins, chất dinh dưỡng nhân tạo trong các phòng thí nghiệm, cơn sốt thực phẩm bổ sung bùng nổ vào những năm 1960-1970 trên khắp thế giới. Tuy nhiên những sản phẩm này đều được tiếp thị "mập mờ" với khái niệm thay thế bữa ăn đã dẫn tới sự xuất hiện của hàng loạt các điều luật kiểm soát.


Trong nửa cuối thế kỷ 20, Các nhãn hàng như Ensure, Plumpy'Nut thậm chí còn khoác lên mình biệt danh thực phẩm trị liệu tiện lợi (Ready to Use therapeutic food). Tuy nhiên chúng vẫn chỉ là những thực phẩm bán tổng hợp khi vẫn sử dụng tới những nguồn dinh dưỡng từ các sản phẩm nông nghiệp.


Phát triển đến thế kỷ 21, ngôi sao sáng nhất cho giấc mơ tổng hợp thức ăn là một sản phẩm mang tên Soylent. Vào năm 2013, lấy tên từ một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, soylent được Rob Rhinehart, một kỹ sư phần mềm, tạo ra từ 35 loại thành phần hóa học khác nhau bao gồm potassium gluconate, calcium carbonate, monosodium phosphate, maltodextrin, xanthan gum... và dầu oliu. Vì cảm thấy việc chuẩn bị thực phẩm và các bữa ăn rất lãng phí thời gian nên Rob đã chỉ uống hỗn hợp tự chế này trong vòng 60 ngày và tự điều chỉnh công thức để tạo ra sản phẩm cuối cùng mang tên soylent.


Tới năm 2015, Sản phẩm này đã gây quỹ được hàng chục triệu đô la Mỹ dưới cái tên công ty Soylent Nutrition và đã được bày bán công khai tại các chuỗi cửa hàng lớn nhất. Không những vậy, Soylent còn tạo cảm hứng cho cộng đồng tự chế (DIY) để tạo ra các loại thức ăn tổng hợp riêng với rất nhiều phiên bản khác nhau.


Dù còn gây ra rất nhiều tranh cãi vì các vấn đề sức khỏe nhưng Soylent thực sự đã tạo ra cú hích mới cho ngành công nghiệp thực phẩm thay thế thức ăn vốn đã dần bão hòa một cách nhàm chán từ khi có những bánh lương khô đầu tiên.


Sau Soylent nhưng cái tên như Huel, Jake Food, VitaminFood, JimmyJoy...đã trở thành những đối thủ cạnh tranh hàng đầu trong làng thay thế thức ăn hiện nay. Tuy nhiên những sản phẩm này vẫn dừng ở mức thay thế bữa ăn.


Solein - Giấc mơ đã thành hiện thực ?


Năm 2017, tại Phần Lan, một công ty start-up được thành lập với cái tên Solar Food. Mục tiêu của họ nghe có vẻ rất khoa trương: Tạo ra thức ăn từ không khí !. Nhưng họ đã thực sự làm được.


Solein là sản phẩm mang sứ mệnh mục tiêu của Solar Food được tạo ra từ việc cho một con vi trùng ăn khí hydro tách ra từ nước, khí carbon tách ra từ không khí cùng với các chất dinh dưỡng và vitamin. Kết quả cho ra một sản phẩm dạng bột chứa 65% chất đạm còn lại là chất béo và tinh bột.


Thậm chí dù mang tên là Solar Food nhưng việc sản suất Solein còn không cần dùng đến ánh sáng mặt trời trong quá trình tạo ra thức ăn của mình. Như những người đứng đầu Solar Food chia sẻ: "Chúng tôi làm được thứ cây trồng đang làm nhưng tốt hơn....vì chúng tôi không cần đến mặt trời !".


Chúng ta có thể tạo ra hạt đậu thần Senzu hay không ?


Câu trả lời là không. Chúng ta có thể tổng hợp ra các loại vitamin và nhét chúng vào một viên con nhộng bé xíu thay cho một mớ rau thịt và trái cây nhưng chúng ta không thể nén năng lượng lại được. Cơ thể cần có đủ năng lượng được tính bằng calories để hoạt động, hay nói cách khác, để sống. Trừ khi chúng ta có thể tạo ra một loại dinh dưỡng khác với nhóm dinh dưỡng đa lượng bao gồm chất béo, tinh bột và chất đạm.


Xét một cách toàn diện hơn về mặt dinh dưỡng, 100 calories từ lon nước ngọt sẽ không "dinh dưỡng" bằng 100 calories từ miếng đậu. Nên cách cơ thể chúng ta đối xử với thức ăn tự nhiên và thức ăn nhân tạo sẽ khác nhau.


Thức ăn tự nhiên không bao giờ có thể bị thay thế !


Đến những năm 1930, chúng ta mới khám phá ra các loại vitamin là cần thiết. Thậm chí trước đó, loài người còn không biết đến dinh dưỡng đa lượng là gì chứ đừng nói tới các loại vi chất cần thiết (trace mineral). Một chất thiết yếu như Choline chỉ mới được biết tới vào những năm cuối thế kỷ 20. Tới năm 2002, selen, chromium...mới được đưa vào danh sách các chất thiết yếu cho cơ thể. Biết đâu vẫn còn những chất dinh dưỡng cần thiết mà chúng ta chưa thể khám phá ra ?


Nên có một sự thật sinh hóa học kì diệu là, chúng ta có thể tạo ra một hỗn hợp bao gồm tất cả các thành phần đã biết của miếng thịt bò và thêm vào đó mùi vị thịt bò giống tự nhiên nhất nhưng nó vẫn không phải một miếng thịt bò hoàn hảo. Thậm chí những thành phần đã biết ấy được chưng cất từ chính miếng thịt bò kia. Vì đơn giản, chúng ta vẫn chưa biết hết về miếng thịt bò dù sở hữu những chiếc kính hiển vi siêu đẳng nhất.


Còn với thức ăn nhân tạo, sẽ rất khó đạt đến sự toàn hảo về mặt dinh dưỡng. Ít nhất là thời điểm hiện tại khi thế giới hữu cơ vẫn còn tràn ngập bí ẩn chưa được loài người khám phá. Vậy nên chúng ta có thể tạo ra thứ có thể ăn được từ nước và không khí nhưng vẫn còn kém xa Mẹ tự nhiên vĩ đại về khả năng tạo ra những thức ăn thơm ngon, đầy dinh dưỡng và đủ năng lượng.


Nên dù bạn có sử dụng hàng chồng supplement cung cấp từ protein, chất béo có lợi, tinh bột, vitamin và khoáng chất đi chăng nữa, bạn vẫn sẽ thiếu chất và không đủ dinh dưỡng.


Thêm vào đó, thức ăn không chỉ là một mớ các chất trộn lại với nhau, nó còn là một phần văn hóa tạo nên bản sắc và sự đa dạng của các dân tộc. Nên cũng giống như chúng ta không thể có một ngôn ngữ dùng chung toàn cầu, khi tất cả phải ăn cùng một loại cháo, con người cũng sẽ tạo ra những phiên bản thức ăn theo văn hóa của riêng họ. Khi đó nhân tạo hay không sẽ không còn quá quan trọng nữa.






134 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
© Copyright
bottom of page