top of page

Stacking - Cái bẫy vô hình của supplement



Nam, 23 tuổi, cũng như bao chàng trai trẻ khác có đam mê tập gym và theo đuổi hình mẫu cơ bắp như các thần tượng siêu anh hùng.


Buổi sáng thức dậy, Nam pha ngay một muỗng whey protein với 5g creatine có tác dụng nâng cao năng lượng cho một ngày mới trước khi bắt đầu bữa sáng. Sau đó khi bữa sáng đã có vẻ được hấp thụ hết, Nam sẽ uống 2 viên T-Booster để tăng lượng hooc-môn nam đang có vẻ ngày một suy giảm của mình. Với lời thánh kinh 3h cần bổ sung protein một lần để tăng cường "đồng hóa" mãnh liệt nhất, Nam sẽ nạp thêm 1 muỗng whey hoặc loại bánh protein nào đó sau bữa trưa. Trước khi tới phòng tập, Nam sẽ có 1 ly pre-workout với creatine, citrulline, beta analine... đầy kích thích để giúp anh có thể trở thành siêu nhân tại phòng gym. Và Nam bước tới phòng gym với một bình lắc chứa đầy BCAA, chất điện giải, carb...để mỗi khi xong một set, sẽ có ngay một ngụm để John có thể đánh bại đám quái vật bằng sắt sau đó. Để rồi sau 1-2h tập, Nam trở về nhà và tu liền một bình lắc post-workout đầy chất phục hồi, cộng thêm 1 muỗng whey protein để không cho một giây dị hóa cơ bắp nào xảy ra. Và trong bữa tối nếu không muốn cơn đau cơ bắp ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống ngày hôm sau của mình, Nam không quên cần có dầu cá, vitamin, astaxanthin, các chất làm dịu thần kinh, chống trầm cảm, mệt mỏi....Cuối cùng để kết thúc một ngày rất giàu dưỡng chất của mình, Nam cần nạp một muỗng Casein cộng thêm một viên uống hỗ trợ giấc ngủ sâu và tự nhiên để giúp mình "tăng cơ đốt mỡ" ngay cả trong giấc ngủ...


Đây chính là bức tranh đẹp nhất của ngành công nghiệp supplement muốn vẽ lên. Tất nhiên nhân vật chính trong bức họa nghìn tỷ đô la Mỹ hàng năm ấy không phải Nam hay bất cứ ai mà là những viên con nhộng, viên nén, viên nang đủ loại màu sắc của các loại thực phẩm bổ sung. Và thực sự họ đã thành công, rất rất thành công. Từ vận động viên thể hình chuyên nghiệp cho đến những cậu chàng choai choai muốn có "dây điện" nổi khắp người mình, không khó để nhận ra hàng chồng sản phẩm supplement cất trong góc bếp hay một cái tủ tiện lợi. Thậm chí việc dùng supplement kiểu nhồi nhét này dần trở thành một thú vui, một lifestyle "gây nghiện" lúc nào không hay. (Yeap, nó có thể trở thành thói quen gây nghiện đấy).


Vậy stacking thực chất là gì ?

Stacking có nghĩa đen là "xếp chồng" lên nhau. Trong việc dùng thực phẩm bổ sung, khái niệm này chỉ việc mua một đống supplement phục vụ cho rất nhiều khía cạnh và mục đích khác nhau của việc tập luyện tại phòng gym. Một điều rất ma thuật là, bất cứ vấn đề gì bạn gặp phải cũng có những loại thực phẩm bổ sung sinh ra để giúp đỡ cải thiện cho chuyện đó. Không bàn đến khía cạnh khoa trương của nghệ thuật tiếp thị về tác dụng thực tế của thực phẩm bổ sung, cái bẫy stacking của những sản phẩm này dường như vô hình nhưng rất hiệu quả. Và thực sự thì, cái bẫy này được giăng ra tầng tầng lớp lớp bởi nhiều chiến thuật rất thông minh.


Chiến thuật thứ nhất rất phổ biến để giăng cái bẫy này ra là một ngôi sao nào đó giới thiệu về chồng supplement của mình. Còn gì thông minh hơn khi thay vì bán lẻ một sản phẩm, anh ta sẽ giới thiệu cả một chồng tới 10 sản phẩm để cho người xem bị ám thị rằng để được đồ sộ như anh ta cần dùng càng nhiều càng tốt. Và tất nhiên khi đã có người quảng cáo thì mình cứ xếp chồng lên nhau để bán thôi. Hình ảnh kinh điển là chuỗi stack của bodybuilding.com thường xuyên giới thiệu các combo gồm Whey protein, Casein, Amino, BCAA, pre-workout có chứa BCAA và còn thêm cả intra-workout, post-workout cũng có BCAA nốt. (Cũng có thể đó là sự tri ân trước khi nói Lời vĩnh biệt BCAA vào năm 2021 như Vincent đã đề cập ở một bài blog trước đó.)


Chiến thuật thứ hai, chia sản phẩm thành các lọ đơn chất nhỏ hơn ra mà bán kèm thành chồng ! Khi việc cho ra một sản phẩm pre-workout chứa công thức đặc biệt gồm BCAA, creatine, citrulline, beta-alanine...trong một công thức được trộn với liều lượng rất "riêng biệt" để bán kèm những sản phẩm khác chưa đủ tối ưu chiều cao cái chồng supplement, hãy chia thành các lọ đơn chất nhỏ hơn và "bùm", mấy con chuột bạch tại phòng gym sẽ có thêm nhiều thứ để trải nghiệm. Việc phối trộn liều lượng các đơn chất này khá là "tùy hứng" vì ở sản phẩm pre-workout nhãn này thì họ dùng 2g creatine với 250mg caffeine và 1g citrulline còn với nhãn khác thì họ dùng 1,5g creatine với 200mg caffeine.


Tất nhiên Vincent cũng không đủ trình độ để tranh cãi về các thành phần hóa học này và chắc hầu hết các bạn cũng chẳng ai có thể kiểm tra nổi những tên hóa học lằng nhằng mà google cũng chỉ có thể cho ra kết quả là những bài quảng cáo.


Tuyệt chiêu thứ ba, chỉ bán quả chứ không bán nhân ! Khi bạn dùng pre-workout chẳng hạn thời gian đầu bạn thấy có hiệu quả kích thích và cảm thấy việc tập luyện có hứng thú hơn. Tuy nhiên điều này cũng dẫn tới cơ thể bạn bị phụ thuộc dần vào sản phẩm này nếu sử dụng lâu dài. Và tất nhiên khi quảng cáo bán hàng, người ta chỉ nói đến lợi ích của sản phẩm chứ đâu có nói tới những phản ứng phụ có thể xảy ra. Và khi đó, bạn sẽ tăng liều hoặc tìm thêm các sản phẩm khác để cùng giải quyết một vấn đề. Điều đặc biệt là những hiệu quả này khá mơ hồ và đều dừng lại ở mặt ngôn từ sáo rỗng. Tăng sức mạnh là tăng lên bao nhiêu phần trăm ??? Nhưng khi bạn tăng liều pre-workout chẳng hạn, bạn sẽ khó ngủ hơn và mệt mỏi hơn vào ngày hôm sau khiến "tình trạng hình thể" của bạn đi xuống. Điều này là một thực tế đáng lẽ cần được đề cập tới. Khi đó bạn sẽ nảy sinh ra hàng loạt vấn đề khác trong việc tập luyện, nghỉ ngơi khiến bạn có khả năng lớn sẽ dùng thêm các sản phẩm hỗ trợ cái này cái kia. Kết quả là lợi ích có được là do supplement còn nguyên nhân của những điều tiêu cực hoàn toàn do bạn.


Chiêu này thực sự khá tinh vi và bản thân Vincent cũng phải mất rất nhiều năm mới nhận ra. Tất cả đều có hai mặt của nó còn trong thế giới supplement, khi bạn nạp một thứ được tổng hợp nhân tạo vào người, sẽ luôn có thể xảy ra những phản ứng phụ.


Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Y học New England tại Mỹ năm 2015 ước lượng hàng năm có tới 23,000 trường hợp đi cấp cứu liên quan đến việc sử dụng các loại thực phẩm bổ sung và hơn 2,000 ca phải nhập viện để điều trị. Số liệu này được tổng hợp trong 10 năm từ năm 2004 - 2013 từ 63 khoa cấp cứu tại Mỹ. Trong đó, chiếm tới hơn 50% là các phản ứng phụ có hại đến tim mạch có liên quan đến thực phẩm bổ sung hỗ trợ giảm cân và tăng cường năng lượng.


Link gốc bài nghiên cứu tại đây.

Tất nhiên nghiên cứu này chỉ dựa trên việc sử dụng một loại supplement. Vậy khi bạn sử dụng cả đống supplement một lúc trong thời gian dài thì sao ? Nên nhớ, "An toàn" có thể mang tính thời điểm và không tương đồng với hai chữ "vô hại".


Vậy stacking có cần thiết không ?


Câu trả lời chắc chắn là không. Việc nạp một đống thực phẩm bổ sung vào trong hệ thống cơ thể của bạn trong một thời gian dài là một việc làm thiếu khôn ngoan. Như một bài viết trước Vincent đã chia sẻ, thực phẩm bổ sung là sản phẩm chế biến công nghiệp và đi kèm theo hàng tá chất phụ gia, chất bảo quản, chất làm nền. Nếu bạn đồng ý rằng việc thường xuyên ăn nhiều thức ăn nhanh có thể gây hại cho sức khỏe, vậy bạn thử nghĩ xem thực phẩm bổ sung bạn nạp vào sẽ "có hại" nhiều hơn hay ít hơn một miếng gà rán hay miếng xúc xích đóng hộp.


Việc stacking các chất bổ sung hoặc dùng nhiều chất bổ sung cùng nhau có thể gây ra rủi ro cho gan và thận. Đây là những gì bạn cần biết:

  • Tổn thương gan: Một số nootropics, một loại chất bổ sung thường được sử dụng để nâng cao nhận thức, có liên quan đến nguy cơ tổn thương gan. Các chất bổ sung giải độc (Detox), thường được bán trên thị trường để tăng cường chức năng gan và loại bỏ độc tố, thực sự có thể gây nguy hiểm cho gan và thận (Link).

  • Bệnh thận: Những người mắc bệnh thận nên thận trọng với các chất bổ sung. Một số chất bổ sung có chứa kali hoặc phốt pho, những khoáng chất thường bị hạn chế đối với những người mắc bệnh thận. Khi khả năng lọc của thận bị suy giảm, các chất bổ sung có thể tích tụ và dẫn đến nhiễm độc. (Link)

  • Vitamin: Một số vitamin, chẳng hạn như A, D, E và K, có thể gây tích tụ trong cơ thể bạn, điều này có thể gây hại, đặc biệt đối với những người mắc bệnh thận.

Việc mua combo thực phẩm bổ sung để có giá rẻ là thông minh và đúng đắn. Nhưng combo không phải stacking dù các bên kinh doanh đang dùng cùng một chiêu thức. Cũng giống như việc đọc nhãn dán sau mỗi hộp whey protein để tìm ra loại whey nào có bao nhiêu gram đạm, có đủ lượng BCAA, ít bổ sung đường, bạn cũng cần đọc xem trong chồng supplement của mình, cái gì cần thiết và cái gì vô lý.






810 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
© Copyright
bottom of page