top of page

Ăn Thô - Raw Vegan Diet - Phá giải toàn tập

Tham gia Fitness Base để hiểu sâu hơn về tập luyện, huấn luyện dinh dưỡng, lifestyle !


Có rất nhiều trào lưu ăn uống nổi lên trong lịch sử của loài người. Từ cách thực hành dinh dưỡng chửa bệnh thời Hippocrates cho tới những chế độ ăn kiêng theo mốt để giảm cân hiện tại. Ăn Thô nổi lên như một trào lưu được quảng bá bởi nhiều nhân vật trên mạng xã hội và gây ra nhiều tranh cãi.


Trước khi đi vào phân tích các vấn đề của Ăn Thô, tác giả phải nói rõ những điều sau:

- Không có một chuyên gia dinh dưỡng nào khuyến nghị hay đề xuất việc Ăn Thô. Những chế độ ăn cực kỳ nghiêm ngặt sẽ dẫn tới nguy cơ sức khỏe nên cần phải được theo dõi, hướng dẫn.

- Không có một bác sĩ nào được phép trực tiếp đề xuất hay khuyến nghị mọi người Ăn Thô. Việc này có thể gây hại cho bản thân vị bác sĩ đó vì trái nguyên tắc nghề nghiệp.

- Các cuốn sách tác giả về dinh dưỡng, được biên tập chỉ mang tính chất "sách tham khảo" và có giá trị rất thấp về cấp độ bằng chứng trong khoa học. Các nội dung mang tính chất ý kiến cá nhân (expert opinion), bài báo/báo cáo được biên tập (editorial) không có giá trị ứng dụng thực hành. Robert Young, tác giả của chế độ ăn kiềm hóa Alkaline Diet, pH Miracle (Phép màu pH) hướng dẫn việc dùng các thức ăn kiềm hóa để trị ung thư đã bị kết án và phải bồi thường rất nhiều tiền do những thông tin tuyên bố "ngụy khoa học" mang tính chất cá nhân sai lầm này.


Một nghiên cứu sâu năm 2020 với 100 cuốn sách về dinh dưỡng bán chạy nhất cho thấy những bất cập và mâu thuẫn trong kiến thức và các lời khuyên dinh dưỡng được đưa ra. Có thể hiểu đơn giản, cuốn sách này khuyên bạn ăn như thế này thì cuốn sách kia sẽ nói ngược lại. Trong số đó phần lớn là chủ đề giảm cân và một số trường hợp còn hứa hẹn trị bệnh ung thư, chữa lành. Một số liệu đáng thú vị là chỉ có 3 tác giả là chuyên gia dinh dưỡng, số còn lại là bác sĩ, người viết blog và cả diễn viên. Nghiên cứu này làm sáng tỏ phạm vi thông tin phi lý đang được phổ biến ra công chúng và nhấn mạnh sự cần thiết của những nỗ lực trong tương lai để cải thiện việc phổ biến các lời khuyên dinh dưỡng hợp lý. (Link) Đáng buồn là trong thời đại ngập tràn thông tin mạng xã hội ngày nay, những tuyên bố về sức khỏe có sức ảnh hưởng lớn đến nhận thức và lựa chọn của người tiêu dùng nên thường bị lợi dụng (Link).


Đặc biệt với một đất nước vẫn phổ biến việc tự chữa bệnh (40% - 70%) và chưa có nhận thức đúng đắn về sức khỏe cũng như các chuyên môn khác nhau trong ngành chăm sóc sức khỏe như Việt Nam (Link) (Link). Một lần nữa tác giả phải khẳng định lại, bác sĩ không được đào tạo về huấn luyện dinh dưỡng, kể cả với chức danh "bác sĩ dinh dưỡng" được cố tình chưng ra nhằm gây hiểu lầm tại Việt Nam (Link).


Vấn đề đầu tiên của "Ăn thô" nằm ở chuyện định nghĩa về nó không nhất quán và thường được chính các "tín đồ" hiểu lầm vô ý hoặc cố tình với ăn chay (vegetarian) và ăn thuần chay (vegan). Tùy vào cấp độ nghiêm ngặt của chế độ ăn, những hạn chế của chế độ ăn đó càng bộc lộ nhiều hơn. Một người ăn chay thông thường sẽ không khó khăn bằng một người ăn thuần chay không chấp nhận bất cứ sản phẩm nào có nguồn gốc động vật, kể cả dầu cá Omega-3 hay protein từ trứng gà công nghiệp. Xét về độ "cực đoan" Ăn thô chắc chắn bị giới hạn còn hơn cả "Vegan".


Ở đây tác giả sẽ dùng từ Ăn thô và Ăn thuần chay thô thay thế lẫn nhau nhưng cùng một ý nghĩa cho Raw Vegan Diet hoặc Raw Veganism. Có những định nghĩa như sau về Ăn Thô:


1. Một chế độ ăn kiêng dựa trên việc tiêu thụ hoàn toàn thực phẩm thực vật mà không cần nấu trước.

2. Một chế độ ăn kiêng dựa trên việc tiêu thụ thực phẩm tươi, khử nước ở nhiệt độ thấp (dưới 49 độ C), các sản phẩm hun khói lạnh hoặc thực phẩm thực vật lên men.

3. Chế độ ăn thuần chay thô bao gồm các loại thực phẩm được chế biến mà không cần đun nóng, và công thức của chúng không bao gồm các sản phẩm động vật, sữa hoặc trứng.

4. Một chế độ ăn kiêng loại bỏ tất cả thực phẩm và sản phẩm có nguồn gốc động vật, hoặc thực phẩm được nấu ở nhiệt độ nhiệt độ trên 48°C (118°F), cũng như, bất kỳ thực phẩm nào bị thay đổi so với điều kiện tự nhiên, và/hoặc chế biến.


Trong thực tế, Ăn Thô thuần chay dường như lại đối lập với một kiểu Ăn Thô khác, Ăn Thô Carnivore, sử dụng toàn thịt động vật sống (Link). Tất nhiên, con người chúng ta, trước khi phát hiện ra ngọn lửa khoảng 200,000 năm trước, chính là ăn sống tất cả thức ăn từ thịt động vật đến các loại thực vật hái lượm được. Còn trong đời sống bình thường, số người hay ăn hải sản sống và cả thịt sống trong các bữa tiệc nhiều hơn mức các bạn tưởng tượng (Link).


Ngoài ra, Minot và Murphy đã giành giải Nobel Y học và Sinh lý học năm 1934 sau khi sử dụng liệu pháp "Ăn Gan Tươi" của họ để điều trị bệnh thiếu máu ác tính. Bây giờ chúng ta biết rằng thành phần dinh dưỡng giúp điều trị này có thể thực hiện được là vitamin B12, chất này dễ bị phá hủy trong quá trình nấu nướng. Tất nhiên B12 còn có nhiều trong các loại thịt động vật khác nên bạn không cần phải quá lo lắng về việc mình sẽ phải ăn gan sống.


Có những tuyên bố phổ biến sau về lợi ích của Ăn Thô*:

*Ở đây chỉ nói tới những tuyên bố có tính khoa học, không đề cập tới những tuyên bố mang tính chất cảm nhận tâm linh như mở con mắt thứ ba hay các tác dụng tinh thần không thể kiểm chứng của các "tín đồ cuồng ăn thô".


1. Cải thiện tiêu hóa: Người ta cho rằng chế độ ăn thô có thể cải thiện tiêu hóa do hàm lượng chất xơ cao. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2014 cho thấy chế độ ăn thuần chay thô có thể dẫn đến các vấn đề về đường tiêu hóa như chướng bụng, đầy hơi và tiêu chảy do ăn nhiều trái cây và rau sống. Tổng hợp lại một đánh giá có hệ thống năm 2023 với 12 nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa Raw Vegan Diet và hệ sinh vật đường ruột chưa rõ ràng (Link). Ăn thô cũng gia tăng nguy cơ nhiễm độc từ thực phẩm.


2. Giảm cân: Người ta cho rằng chế độ ăn thuần chay thô có thể dẫn đến giảm cân. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2015 cho thấy chế độ ăn thô không giúp giảm cân nhiều hơn đáng kể so với chế độ ăn thông thường. Một khảo sát khác giữa nhiều người ăn thô cho thấy khả năng "sụt cân" cao đi kèm với tình trạng thiếu cân, mất kinh nguyệt. Điều này dẫn tới kết luận Ăn thô không nên được đề xuất trong thời gian dài(Link). Tất nhiên thường có sự nhầm lẫn "cố tình" giữa Ăn chay và Ăn Thô khi những người ăn thô tìm cách bảo vệ cho lối ăn uống này và lợi ích về giảm cân. Ăn chay, ở đây là ăn chay Vegetarian nói chung, không phải ăn thuần chay (Vegan) rất nghiêm ngặt cho thấy sự hữu ích trong việc kiểm soát cân nặng (Link) chứ không phải trong việc giảm cân.


3. Cải thiện làn da: Người ta cho rằng chế độ ăn thuần chay thô có thể cải thiện sức khỏe của da. Và thực tế một bài đánh giá tường thuật năm 2022 cho thấy kết quả tốt dành cho các thực phẩm có nguồn gốc thực vật như rau xanh và trái cây. Tuy nhiên bài đánh giá này không đề cập đến chế độ ăn, chỉ đề cập đến thức ăn. Và việc ăn rau xanh, trái cây trong chế độ ăn thông thường đều mang lại lợi ích kể trên mà không đi kèm nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng. (Link)


4. Giảm viêm: Người ta cho rằng chế độ ăn thuần chay thô có thể làm giảm viêm nhiễm trong cơ thể. Một bài đánh giá năm 2020 cho thấy chế độ ăn thuần chay thô không làm giảm đáng kể các dấu hiệu viêm nhiễm so với chế độ ăn thông thường. (Link)


5. Cải thiện sức khỏe xương: Nhiều người tuyên bố rằng Raw Vegan Diet sẽ giúp xương chắc khỏe. Nhưng các nghiên cứu lại cho thấy những người ăn thô lâu dài có lượng xương thấp đi (Link) (Link).


Một số rủi ro tiềm ẩn của chế độ ăn thuần chay thô bao gồm thiếu hụt chất dinh dưỡng và bệnh tật do thực phẩm. Nấu ăn thực sự có thể giải phóng các chất dinh dưỡng mà thực phẩm sống không có được. Tuân thủ nghiêm ngặt chế độ Ăn Thô có thể gây ra sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng có thể đoán trước được bao gồm vitamin B12, D, Niacin, sắt, iốt, kẽm, protein chất lượng cao, omega-3 và canxi. Chế độ Ăn Thô nghiêm ngặt kéo dài làm tăng nguy cơ gãy xương, thiểu cơ, thiếu máu và trầm cảm. Thực phẩm sống, kể cả có nguồn gốc thực vật cũng có nhiều khả năng bị nhiễm vi khuẩn có hại và các mầm bệnh khác có thể gây ngộ độc thực phẩm.


Cần phải nói rõ thêm, không có bữa ăn nào miễn phí trong sinh lý học, những lợi ích luôn đi kèm với nguy cơ, dù nhỏ. Và việc bị lầm lẫn về nguyên nhân chính mang lại lợi ích hay hiệu ứng giả dược rất phổ biến trong ngành dinh dưỡng. Một người vốn ăn uống không tốt, gặp vấn đề sức khỏe rồi sau đó đạt được lợi ích từ việc chuyển sang một chế độ ăn nào đó, có thể nguyên nhân đến từ việc ngừng ăn những thức ăn không tốt trước kia hơn là từ chế độ ăn mới. Ví dụ nhiều người tuyên bố trước kia tôi cũng ăn tập lành mạnh nhưng toàn bệnh rồi Ăn thô được lợi ích sức khỏe nhưng khi nhìn lại chế độ ăn tập trước kia của họ, rất không lành mạnh và nhiều sai lầm do chỉ tự ý làm theo Google, YT và nghĩ rằng khỏe mạnh. Hay giống như việc bị nổi mụn do dùng whey, sữa tươi, ăn nhiều loại thịt chất lượng không tốt và khi ngừng việc đó, thì dù bạn có ăn thô hay không, bạn vẫn sẽ cải thiện được tình trạng.


Tất nhiên đây là ví dụ, còn tình trạng thực tế có thể phức tạp hơn. Và tác giả có thể cam đoan, việc ăn uống điều độ đủ chất đúng cách sẽ mang lại nhiều giá trị tốt hơn ở bất cứ khía cạnh sức khỏe nào mà bạn nghĩ rằng Ăn Thô có thể mang lại. Cũng phải khẳng định lại rằng, kể cả với người tập thể hình thông thường, chế độ ăn điều độ cũng không phải ăn nhiều thịt như nhiều bạn nghĩ. Các khóa thay đổi hình thể, tăng cơ bắp như Pump Hero, Jacked Up của tác giả vẫn giành cho người ăn chay và ăn ít thịt động vật thông thường.


Hay như việc chỉ nhìn vào giá trị giảm "cholesterol xấu" LDL, bạn có thể quên mất nguy cơ tăng bệnh tim mạch khác trong chế độ ăn này (Link). Chưa nói tới việc khái niệm "Cholesterol xấu" vốn được hiểu sai vì nó cần thiết, giống như việc hút thuốc lá dù giảm stress hay dễ tỉnh táo hơn nhưng vẫn rất có hại, không thể nhìn vào một lợi ích nhỏ được tuyên bố ra để rồi bỏ quên bức tranh tổng thể lớn hơn của sức khỏe chúng ta.


Thêm vào đó, có lợi cho người này cũng chưa chắc có lợi cho người kia. Như việc Ăn thô có thể giúp những người già có thêm được các chất chống oxy hóa, giảm áp lực lên hệ thống tiêu hóa suy yếu so với chế độ ăn thịt. Nhưng Ăn Thô cũng giảm tế bào bạch cầu, CRP (C-reactive protein), nhưng yếu tố phản ứng với tình trạng viêm quan trọng trong hệ miễn dịch có thể không tốt với nhiều tệp đối tượng khác (Link).


Phần tiếp theo sẽ đề cập rõ hơn những lợi điểm và nguy cơ của Ăn Thô theo góc nhìn của huấn luyện dinh dưỡng chuyên nghiệp.


Những lợi điểm:

- Chế độ ăn thuần chay thô thường có nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, có thể tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Đặc biệt với những người vốn có lối sống và ăn uống không khỏe mạnh hay gặp các tình trạng "bệnh lý" do lối sống và ăn uống không lành mạnh, nhiều áp lực, căng thẳng oxy hóa cao, việc chuyển sang Ăn thô thời gian đầu có thể cho thấy có tác dụng cải thiện rõ rệt. (Link)


- Chế độ ăn thuần chay thô có thể có lợi cho những người mắc một số tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, huyết áp cao và bệnh tim. Hãy lưu ý từ "CÓ THỂ" và ở đây đưa ra giả định nói chung còn thực tế những tình trạng bệnh lý như tiểu đường, huyết áp cao và bệnh tim rất phức tạp và khác nhau ở mỗi người. Có những người "do may mắn" có thể cải thiện, có những người sẽ có hệ quả ngược. Ví dụ một người bị "bệnh lý" dẫn tới tình trạng sức khỏe yếu, thân thể đang suy kiệt thì việc áp dụng chế độ ăn thiếu chất có thể gây ra hệ quả xấu hơn việc được lợi ích.


- Chế độ ăn thuần chay thô có thể hỗ trợ giảm cân, mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận điều này. Lý do ở đây là giảm cân khỏe mạnh khác "sụt cân" vì thiếu chất đi kèm nhiều nguy cơ, sẽ trình bày phía sau. Cũng cần phải nói thêm, để giảm cân, có rất nhiều cách thức ăn khỏe mạnh, đủ chất và dễ theo hơn Ăn Thô. Và trong giảm cân, chắc chắn, yếu tố dễ dàng theo độ một chế độ đủ chất luôn tốt nhất. (Link).


Những điểm chưa tốt:

- Chế độ ăn thuần chay thô có thể khó tuân theo và có thể cần nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị bữa ăn.

- Chế độ ăn thuần chay thô có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh do nhiễm khuẩn vì tiêu thụ thực phẩm sống và chưa nấu chín.

- Chế độ ăn thuần chay thô có thể gây cô lập về mặt xã hội và có thể gây khó khăn cho việc đi ăn ngoài hoặc tham gia các cuộc tụ họp xã hội.


Trái cây và rau quả từ các trang trại truyền thống được phun nhiều lần với hàm lượng hóa chất cao mà chúng có thể được loại bỏ ít nhất một phần trong quá trình nấu (Link).


Tại Việt Nam, số lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập hàng năm được công bố năm 2020 là 100,000 tấn. Trong đó 20% là chất bảo quản, số còn lại là thuốc trừ sâu, thuốc phun ra đồng ruộng. (Link). Một vấn đề nữa, chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát an toàn thực phẩm cho cây trồng, rau củ bán ra các chợ đầu mối hay các khu vực tự kinh doanh. Và chắc chắn con số thuốc nói chung sẽ không chỉ rõ được số lượng các chất có hại cho sức khỏe dù các cơ quan chức năng vẫn phải liên tục thanh tra và loại bỏ (Link). Ở Mỹ và các nước khác, con số này còn lớn hơn (Link) như với TQ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gấp 6 lần Việt Nam. Điều này dẫn đến nguy cơ từ các loại trái cây, rau củ nhập từ nước ngoài vì khó kiểm soát hơn. Luật pháp nước sở tại cũng chỉ bảo vệ cho người dân nước họ.




Những nguy cơ:

- Thiếu hụt dinh dưỡng: Do không được nấu chín và bị giới hạn trong rau củ quả, chế độ Ăn Thô không cung cấp đủ một số chất dinh dưỡng như protein, vitamin B12, sắt, canxi, selen, kẽm, hai axit béo omega-3 (EPA và DHA) và vitamin D, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nếu không được giải quyết đúng cách (Link) (Link). Các "tín đồ cuồng ăn thô" thường lấy lí do tìm cách bổ sung cho từng chất như thiếu Vitamin D thì tắm nắng 1-2h mỗi ngày hay thiếu sắt do khó hấp thụ thì ăn thêm trái cây chứa Vitamin C cho dễ hấp thụ hơn....Nhưng trong dinh dưỡng, việc can thiệp vào cơ chế để tăng tính hấp thụ của chất này dẫn đến những hậu quả thiếu hụt của chất kia hoặc thừa chất và kèm theo các nguy cơ khác. Như ví dụ trên, ăn trái cây nhiều vitamin C về lý thuyết có thể giúp tăng tính hấp thụ chất sắt từ thực vật hơn, nhưng tăng tới mức nào, cần tới bao nhiêu trái cây, loại trái cây nào...sẽ đẻ ra cả đống phức tạp. Chưa kể trái cây nhiều Vitamin C thường có tính axit mạnh, có thể đi ngược với lý thuyết "kiềm hóa ngăn bệnh" và gây ra các vấn đề về tiêu hóa, dễ bị tiêu chảy dẫn tới mất đi nhiều nước và chất dinh dưỡng hơn chẳng hạn. Hầu hết các loại đậu đều chứa axit phytic, có thể ngăn chặn sự hấp thụ của cơ thể đối với một số khoáng chất thiết yếu. Cà chua khi ăn sống có thể ngon nhưng bạn sẽ không có được bao nhiêu giá trị về dinh dưỡng vì cơ thể không thể hấp thụ được.

- Sụt cân nhanh chóng có thể có tác động tiêu cực đối với những người rất năng động, những người sẽ cần phải nỗ lực rất nhiều để thu được lượng calo cần thiết [32]. Ngoài ra, việc sụt cân nhanh chóng còn kéo theo ảnh hưởng đến hệ trao đổi chất, mất lượng cơ bắp và có những nghiên cứu đã báo cáo việc giảm khối lượng xương (Link) (Link) (Link). Hãy nhớ rằng, cân nặng chỉ là 1 số đo chung chứ không đại diện cho việc khỏe mạnh hay không khỏe mạnh. Chế độ ăn thuần chay thô rất dễ gây thiếu hụt protein dẫn đến hàng loạt vấn đề về sức khỏe. Các tín đồ Ăn thô có thể tranh cãi, thực vật cũng có protein hoặc ăn nhiều hơn là đủ nhưng protein trong thực vật, trừ đậu nành, không hoàn chỉnh. Và còn cần kể tới vấn đề hấp thụ. Protein trong thực vật đi kèm với các nhóm chất xơ, tinh bột kháng, phản dinh dưỡng...dẫn đến khó hấp thụ hơn. Kể cả đậu nành cũng cần được nấu chín cơ thể chúng ta mới có thể hấp thụ được tốt hơn.


- Một nghiên cứu năm 2005 (Link) cho thấy rằng mặc dù chế độ ăn thực phẩm thô trong thời gian dài có thể làm giảm cholesterol và chất béo trung tính tổng thể, nhưng nó cũng có thể làm giảm mức lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) hoặc cholesterol “tốt” và tăng mức homocysteine (tHcy) vì thiếu vitamin B-12. Nồng độ tHcy cao, tỷ lệ LDL:HDL thấp, thiếu Vitamin B12 làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch và đột quỵ (Link). Việc nấu chín có tác dụng tích cực với các loại rau để mang lại giá trị dinh dưỡng tốt hơn (Link).


- Ngộ độc thực phẩm. Thực phẩm thực vật đi kèm với nhiều chất phản dinh dưỡng (anti-nutrient) ngăn cản việc hấp thụ các chất dinh dưỡng khác. Ngoài ra chúng còn đi kèm với nhiều độc tố có thể gây hại cho sức khỏe. Trường hợp Liam Hemsworth phải từ bỏ Ăn thuần chay do Oxalates có nhiều trong các loại rau xanh có thể gây tích tụ thành sỏi thận nếu không được chế biến đúng cách hay nấu chín.


Thực vật bị nhiễm vi sinh vật (các loại nấm mốc thuộc Penicillium, Phytophthora, Alte rnaria, Botrytis, Aspergillus và /hoặc các loài vi khuẩn từ Pseudomonas, Erwinia, Bacillus và Clostridium) có thể gây bệnh, ngoại trừ Bacillus và Clostridium có thể bị tiêu diệt khi được đun nóng (Link). Việc nấu chín giúp loại bỏ rất nhiều yếu tố độc hại và cả các chất kháng dinh dưỡng có trong thức ăn. (Link)


Các loại hạt đã nảy mầm, chẳng hạn như mầm cỏ linh lăng và giá đỗ, có thể chứa vi khuẩn Salmonella, E. coli hoặc Listeria và gây ngộ độc thực phẩm. Các loại đậu bắt buộc phải được nấu chín vì nguy cơ ngộ độc rất cao.


- Mất kinh ở phụ nữ, đặc biệt là người cao tuổi, những người thực hành chế độ ăn thuần chay thô (Link),(Link). Việc này về lý thuyết có thể giảm khả năng sinh sản do rối loạn chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Lượng protein không đủ có thể quyết định việc giảm nồng độ trong huyết tương của các axit amin thiết yếu khác nhau, chán ăn và kích thích tố chuyển hóa, giảm năng lượng, khả năng tiêu hóa và giảm khối lượng cơ nạc (Link) (Link). Thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ gãy xương và loãng xương [Link] (Link). Đừng quên rằng chúng ta có rất ít nắng vào mùa đông dài và hãy uống TPBS khi cần thiết. Với nam giới khỏe mạnh, việc thiếu hụt LDL, các loại chất béo, kẽm và Vitamin D có thể ảnh hưởng tới việc sản xuất các hormone sinh dục bao gồm Testosterone, dẫn đến giảm khả năng sản xuất tinh trùng khỏe mạnh. Tất nhiên có nghiên cứu sơ bộ cho thấy với những người vốn do lối sống kém khỏe mạnh và áp lực dẫn tới giảm sút sinh dục, việc chuyển sang ăn chay một thời gian có thể mang lại lợi ích tốt ngược lại (Link). Cần phải nói rõ Ăn Chay không phải Ăn Thô.


- Các vấn đề về chán ăn, sức khỏe tâm thần hay ám ảnh ăn uống như đã đề cập trong video ở phần đầu bài blog này và đã chia sẻ ở một bài blog khác trên kênh. Xem thêm tại đây tại đây. Với trường hợp phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, Ăn Thô là tối kỵ. Với thời gian nuôi con, cho con bú, phụ nữ đang ở trong quá trình thay đổi về hormones sau sinh, kèm với căng thẳng rất lớn từ việc nuôi con, việc ăn thô thiếu chất có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc về sức khỏe não bộ và thể chất. Đặc biệt những hệ quả về tâm thần hay tim mạch sẽ rất khó hồi phục vì khả năng tái tạo mô của tế bào cơ tim và tế bào thần kinh rất hạn chế nếu không muốn nói không thể tái tạo lại.


Fruitarian, một nhánh đặc biệt của Ăn thô chỉ ăn toàn trái cây tươi cũng được phổ biến nhiều trên mạng xã hội. Nhưng nguy cơ của loại hình ăn uống này còn lớn hơn do bị giới hạn nghiêm ngặt hơn về lựa chọn thức ăn. Về bản chất, ăn chỉ trái cây không đủ cung cấp dinh dưỡng và có thể gây ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe. Những thay đổi có vẻ có lợi trong một thời gian ngắn như thấy thoải mái hơn, da có vẻ đẹp hơn sẽ trở thành nguy cơ sức khỏe trong thời gian dài.


Một làn da tươi tắn hơn lúc mới chuyển sang ăn thô hay fruitarian chẳng hạn, sẽ dần trở lên nhợt nhạt, "thô ráp" hơn do thiếu các dưỡng chất thiết yếu như các loại axit amin, các loại chất béo và khoáng chất cần thiết. Hãy nhớ rằng, những chuyển biến xấu cũng cần thời gian nên thường hay bị nhầm lẫn với thích nghi tốt lâu dài.


Tựu chung, chế độ Ăn Thô có rất nhiều hạn chế về mặt dinh dưỡng, không phù hợp để thực hành trong thời gian dài. Tất nhiên việc chuyển qua chế độ ăn thô trong thời gian ngắn như một thay đổi lối sống lành mạnh cũng có thể tạo ra những hiệu quả tốt.


Đừng quên rằng, một vài cuốn sách tham khảo hay một vài video Youtube không thay thế được khoa học về dinh dưỡng. Và luôn có nhiều hơn một lựa chọn ăn uống khỏe mạnh dành cho bạn. Điều quan trọng bạn phải cân nhắc cẩn thận những rủi ro và lợi ích tiềm ẩn trước khi áp dụng chế độ ăn này hay bất cứ chế độ ăn theo mốt nào. Đồng thời nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo rằng nhu cầu dinh dưỡng của mình vẫn được đáp ứng bên cạnh các nhu cầu cải thiện sức khỏe khác.


541 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
© Copyright
bottom of page