Bài trước: 03 hiểu lầm về Fitness trên mạng xã hội
Fitness đang là ngành phát triển cực nhanh với quy mô ngày một lớn, được dự đoán sẽ đạt tới mức 200tr USD trong thập kỉ này. Thế nhưng đi kèm với sự phát triển quá nhanh của ngành dẫn tới sự thiếu hụt về mặt đào tạo nhân lực và kể cả những yếu tố căn bản nhất. Từ các trung tâm Fitness đến các cửa hàng phân phối TPBS, kiến thức chuyên môn chưa theo kịp áp lực về doanh số. Điều này chắc chắn những người làm việc trong ngành đều nhận thấy. Và hệ quả của nó, khiến một ngành với ý nghĩa chăm sóc sức khỏe trở thành một ngành mang nặng tính bán hàng tiêu dùng nhanh !
Điều Vincent cảm thấy ngược đời nhất, là khi nghe tới Fitness tại Việt Nam, hầu hết mọi người sẽ mặc định tư duy mình sẽ phải mua thêm rất nhiều thứ tốn kém. Thậm chí, nhiều bạn luôn e sợ khi mua các chương trình, khóa học từ huấn luyện viên là sẽ phải mua thêm loại TPBS hay loại thức ăn đắt tiền nào đấy. Có bạn còn không dám giảm cân vì sợ không có tiền để Eat Clean hay theo đuổi các loại hình ăn kiêng theo mốt (Keto Diet). Có bạn còn mặc định theo đuổi thể hình sẽ phải rất tốn tiền để mua hàng tá stacking TPBS.
Đây là một sai lầm rất tệ hại !
Bài blog này không nhằm bàn về chiến lược kinh tế mà hướng tới đối tượng những người đang có nhu cầu tập luyện, thay đổi hình thể và nâng cao sức khỏe tại rất nhiều các phòng gym lớn nhỏ. Để có được sức khỏe, trước hết bạn cần hiểu một khái niệm căn bản trong huấn luyện Fitness, Training Economy (Tạm dịch: Tính kinh tế trong huấn luyện).
Training Economy là gì ? Tính kinh tế trong huấn luyện Fitness đơn giản là việc đầu tư ít thời gian, công sức và tiền bạc hơn vào chương trình tập luyện nhưng vẫn có được hiệu quả tối ưu nhất. Bạn nghĩ sao nếu thay vì phải mất công sức tập 6 buổi 1 ngày, mỗi buổi 2h đồng hồ kèm theo một đống thực phẩm bổ sung để đạt được một hiệu quả nhất định, bạn có thể chỉ cần tập 4 buổi 1 tuần, mỗi buổi dưới 90 phút kèm theo việc ăn uống lành mạnh và không phải mua thêm bất cứ sản phẩm gì ?
Trong đào tạo huấn luyện viên cá nhân, Fitness coaching, Training economy là yêu cầu bắt buộc với các học viên và bản chất của một người huấn luyện viên, một chương trình đào tạo sinh ra để đáp ứng chuyện đó. Nếu một người huấn luyện viên, một chương trình đào tạo không giúp học viên, khách hàng có được kết quả tốt hơn và tiết kiệm hơn, thì còn có nghĩa gì để tồn tại nữa ?
Cũng cần nói rõ rằng, tính kinh tế không mang nghĩa hạn chế chi tiêu hay tiết kiệm thời gian không mang nghĩa đẩy nhanh mọi thứ. Training economy nằm ở việc tôi bỏ ra một đồng đầu tư tôi cần có được hiệu quả tương xứng với giá trị đầu tư hoặc có thêm các giá trị khác phù hợp.
Vì không hiểu rõ điều này, vì sợ tốn kém, và bị lợi dụng, lôi kéo bởi các nội dung quảng cáo bán sản phẩm, rất nhiều người lao đi tìm đến các sản phẩm giá rẻ với lời hứa tạo ra các kết quả nhanh chóng, tiết kiệm. Một số người cẩn thận hơn cũng sẽ mặc định tâm lý, của rẻ của ôi
Nên nhớ rằng, bạn không thể chơi Poker với sức khỏe của mình và sẽ luôn có phương pháp để tìm ra phương án đầu tư hợp lý !
Workout Economy
Tập càng nhiều càng tốt là một sai lầm kinh điển. Tập càng đau càng tốt là một sai lầm siêu kinh điển. Để có được một chương trình tập luyện tốt, chắc chắn lựa chọn các bài tập một cách kinh tế sẽ tiết kiệm thời gian và công sức của các bạn.
Các bạn cần lưu ý nững điểm sau:
- Không có một bài tập siêu đẳng nào cho một nhóm cơ
- Không có một bài tập bắt buộc nào cho một nhóm cơ
- Mỗi người đều có độ lệch cơ thể, chiều dài các chi và cấu trúc cơ thể khác nhau
- Các biến thể của một bài tập (góc độ, thế tay cầm...) nên được xem xét như một bài tập riêng biệt
- Tập luyện chỉ tạo ra kích thích để cơ thể thích nghi (GAS Principle) và thích ứng chuyên biệt dần (SAID Principle) dẫn tới sự tăng trưởng về sức khỏe.
- Bạn cần tập luyện để dạy cơ thể cách thực hiện các chuyển động. Cơ thể hoạt động theo cơ chế cơ sinh học (Biomechanics) và cơ bắp hoạt động theo vận động học (Kinesiology).
(Xem thêm: 7 thiết luật của huấn luyện Fitness)
Khi xây dựng một chương trình tập luyện, đi từ số lượng bài tập, thời gian một buổi tập và số lượng ngày tập cần có trong một tuần. Bạn nên nhớ rằng, bài tập chỉ là yếu tố để chúng ta học và làm theo còn việc tăng trưởng sức khỏe, cơ bắp đến từ liều lượng tập luyện phù hợp và cả dinh dưỡng, nghỉ ngơi. Do vậy, đừng cố tìm các bài tập "làm xiếc" hay tập luyện nhiều bài tập với ý nghĩ cải tạo được hình dáng cơ bắp.
Với người mới bắt đầu, bạn hãy chọn số lượng bài tập ít nhất cho mỗi nhóm cơ dựa vào đúng chức năng vận động theo đúng giải phẫu của nhóm cơ đó. Đa phần, với 1 nhóm cơ chỉ cần 2 bài tập cô lập (isolate) và 1 bài tập kết hợp (compound). Đây là công thức chung cho cả những người tầm cỡ Mr Olympia như Ronnie Coleman, Dorian Yates cho tới những vận động viên cử tạ.
Và tất nhiên, khi lựa chọn chương trình tập, hãy hướng tới sự "dễ dàng" và cả năng khiếu của bản thân. Sự dễ dàng ở đây nằm ở việc có thể thực hiện ở nhiều nơi, không bị phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh thực tế. Như việc phân bổ 70% bài tập với tạ đòn, tạ tay (freeweight) với 30% bài tập dùng tạ máy chẳng hạn. Còn xét tới yếu tố năng khiếu, nếu bạn có thể kéo xà hay kéo xà rất tốt, chẳng có lý do gì bạn không tập những bài tập này. Tuy nhiên cũng cần xét tới yếu tố nguyên lý can thiệp nếu lựa chọn bài tập thuộc hai loại hình tập luyện khác nhau. Ví dụ bạn là người chạy bền rất tốt chẳng hạn, nếu muốn phát triển cơ bắp đùi theo hướng tăng cơ, bạn cần hạn chế hoặc dừng hẳn việc tập chạy bền lại. Năng khiếu thể thao cũng liên quan đến phân bổ của các loại sợi cơ bắp nên để có chương trình phù hợp, bạn cũng cần kiểm tra trước.
Thêm vào đó, tập gym hoàn toàn có thể kết hợp với các bộ môn khác như dance, yoga...hay thể thao thông thường. Nếu không tập trung vào mục đích tăng cơ bắp tối ưu nhất, bạn hoàn toàn có thể tập gym 2 buổi 1 tuần và tập thêm các bộ môn khác. Phát triển hình thể dẻo dai, mạnh mẽ, linh hoạt, hay sức khỏe cơ bắp và sức khỏe tim mạch, luôn là mục tiêu của Total Fitness.
Nutrition Economy là gì ?
Các bạn có bao giờ nhận ra, từ ngày mình theo đuổi lifestyle tập gym, mình dễ cảm thấy uể oải hơn, có ít thời gian tỉnh táo hơn, dễ buồn ngủ hơn, lười nhác hơn, chậm chạp hơn và tinh thần ít sắc bén hơn ? Một sai lầm hầu hết các bạn sẽ nghĩ do tập luyện và tìm cách chữa chạy bằng cách ăn nhiều hơn, dùng TPBS nhiều hơn. Nhưng như vậy giống như trị nghiện rượu bằng cách cho uống thêm rượu. Vấn đề không phải do bạn tập luyện quá căng thẳng mà do kế hoạch dinh dưỡng không khoa học.
Bạn ăn quá nhiều và cả hệ thống cơ thể của bạn phải làm việc quá thường xuyên để thực hiện nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn. Các bạn phải biết rằng, cơ thể mất từ 2-3h để tiêu hóa chỉ một bữa ăn nhỏ và mất tới nhiều giờ để hấp thụ, chuyển hóa toàn bộ các chất dinh dưỡng từ một bữa ăn.
Dinh dưỡng không chỉ mang lại lợi ích, nó còn mang đến áp lực. Hệ thống tiêu hóa của chúng ta làm việc cật lực để sàng lọc, hấp thụ những thứ cần thiết và loại bỏ những thứ không cần thiết. Việc sử dụng chồng chất các thực phẩm bổ sung nhưng không có chiến thuật sẽ gây áp lực rất lớn lên hệ thống nội tạng và có thể ảnh hưởng xấu cả đến thần kinh, sức khỏe của bạn nữa. Bạn đừng quên rằng, TPBS và bữa ăn cũng sẽ có mối quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau.
Nếu bạn không phải vận động viên thể hình, bạn không cần phải ăn 6 bữa một ngày kèm theo hàng tá TPBS. Kể cả bạn đang theo một chương trình tăng cân tăng cơ để cải thiện hình thể "gầy ốm" như của Vincent chẳng hạn, bạn cũng không cần làm thế.
Một kế hoạch dinh dưỡng kinh tế nhằm tiết kiệm thời gian, tiền bạc và quan trọng hơn giảm tải cho hệ thống. Khi có các triệu chứng về tinh thần, bạn cần nhìn lại phần dinh dưỡng của mình. Việc ngưng sử dụng TPBS hay giảm lượng ăn xuống sẽ mang lại những lợi ích to lớn về tinh thần và hệ thống.
(Xem thêm Hướng dẫn tìm mua Supplement)
Program Economy
Bạn có biết tại sao các idol thề hình dễ bị chấn thương hay không ? Và thực tế bạn có kể tên được một idol nào chưa từng bị chấn thương ? Bạn có biết ăn quá nhiều (Dirty Bulking) được đánh giá là mối nguy hiểm nhất của thể hình ?
Hãy tự hỏi mình rằng, tại sao bạn không phải vận động viên thể hình "Ăn-Tập-Ngủ-Lặp Lại" nhưng lại phải tập luyện, ăn uống như họ. Mục tiêu của bạn đâu phải trình diễn cơ bắp trên sân khấu ? Trong phòng gym bạn có thể tập sức mạnh (Strength &Power), tập kết hợp Calisthenics, tập tăng cường chức năng (Functional Training)...và rất nhiều loại hình, phương thức tập luyện khác bao gồm cả tập luyện tăng cơ bắp (Hypertrophy Training). Kiến thức huấn luyện Fitness áp dụng cho tất cả mọi người, tất cả bộ môn và tất cả lối sống nhằm đạt được mục tiêu của riêng mình.
Để có được một chương trình huấn luyện mang tính kinh tế, điều đầu tiên bạn cần hiểu rằng, tiến trình là yếu tố quan trọng nhất của huấn luyện. Bạn không trở thành The Hulk sau một vài tháng hay nhờ vào một vài hũ Whey Protein.
Tiếp theo bạn cần có một mục tiêu rõ ràng cho từng giai đoạn và tối ưu cho mục tiêu đó. Đừng cố theo đuổi những mục tiêu như tăng cơ giảm mỡ đồng thời hay tăng cơ không tăng mỡ hoặc những bài tập giảm mỡ bụng dưới. Hiển nhiên, một mục tiêu đơn giản sẽ tốn ít thời gian và ít phức tạp hơn.
Bước kế tiếp bạn cần phân rõ và đặt các chỉ số cụ thể 3 loại mục tiêu sau đây:
- Mục tiêu trước mắt
- Mục tiêu hành động
- Mục tiêu lâu dài
Mục tiêu trước mắt của bạn có thể là giảm 10kg hoặc tăng 10kg. Mục tiêu hành động của bạn cần có ví dụ như tập luyện cardio/tập tạ bao nhiêu thời gian một tuần. Và mục tiêu lâu dài, chắc chắn rồi, sẽ phải nằm ở chuyện bạn có một hình thể khỏe đẹp. Một hình thể khỏe đẹp dựa vào các chỉ số thể khối BMI, FFMI (Fat Free Mass Index) hay % bodyfat của cơ thể cùng với các chỉ số về sức khỏe, sức bền và huyết áp chung. Trong nhiều trường hợp, khi mục tiêu về hình thể của bạn quá cao, nó sẽ trở thành mục tiêu lâu dài của bạn.
Bước cuối cùng là lên một kế hoạch huấn luyện phân kì cho mỗi loại mục tiêu. Nghe tới đây có thể bạn sẽ thấy khó khăn. Nhưng thực tế không phải, bạn chỉ cần đặt các mục tiêu của bạn vào đời sống thực tế và kiểm nghiệm độ khả thi. Không khó để biết rằng việc giảm 10kg trong vòng 1 tháng sẽ gây hại cho hệ thống của bạn.
Khi đã có được một mục tiêu khả thi, bạn chỉ cần chọn mục tiêu hành động phù hợp với công việc và sinh hoạt hiện tại của mình. Và nếu không phải thí sinh Mr Olympia, bạn hoàn toàn không cần thiết phải tập đủ 6 buổi 1 tuần để đạt được mục tiêu hình thể đẹp. Bạn nên biết rằng, kể cả một thân hình như The Rock để sắm vai Black Adam cũng chỉ tập có 4-5 buổi 1 tuần.
Bài học cốt lõi về tính kinh tế trong huấn luyện Fitness ?
Nếu bạn giàu có không có thời gian hay muốn nhanh chóng tiện lợi, bạn cũng cần hiểu rõ tính kinh tế để không chỉ tiết kiệm được vài đồng bạc lẻ mà còn có lựa chọn đúng. Khi bạn chọn mua một chương trình tập luyện chẳng hạn. Cái bạn cần là một chương trình giúp bạn học cách nâng cao sức khỏe, hình thể để thoải mái tận hưởng cuộc sống lâu dài chứ không phải bắt bạn thay đổi cuộc sống, đánh đổi sức khỏe lấy ngoại hình trong ngắn hạn.
Bạn sẽ chọn một chương trình giảm cân giúp bạn học cách giảm cân khỏe mạnh và duy trì hình thể lâu dài hay một chương trình giúp bạn giảm 10kg/tháng bắt bạn cắt giảm calories, nhịn ăn, tập luyện hành xác càng nhiều càng tốt ?
Cuối cùng, lạm bàn một chút về ngành Fitness tại Việt Nam.
Thực tế, Training Economy không làm giảm sức chi tiêu của ngành fitness. Tính kinh tế ở đây mang tính bản chất và mục tiêu phải hướng đến của huấn luyện fitness. Con người trong xã hội hiện đại nói chung khi đạt được hiệu quả mình mong muốn sẽ sẵn sàng thoải mái chi tiêu hơn. Chẳng hạn đặt ở khía cạnh huấn luyện cá nhân, khi một khách hàng có được hiệu quả tối ưu và không phải mất quá nhiều thời gian, tiền bạc và công sức, họ sẽ gắn bó hơn, chi tiêu nhiều hơn và mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho bản thân người PT hay trung tâm ấy.
Tại sao mọi người lại dễ dàng mua TPBS giảm cân hay vẫn chăm chăm tập để giảm mỡ bụng ? Dù họ luôn được bảo rằng những thứ TPBS này phí tiền, có thể gây hại và không thể giảm mỡ một chỗ ? Vì trong tâm lý, đa phần họ muốn đạt kết quả nhanh và tiết kiệm nhất.
Tại các trung tâm, tỷ lệ khách hàng bị mất rất lớn. Những người không thấy hiệu quả và tính kinh tế trong việc tập luyện thường bỏ hoặc sang nhượng thẻ hội viên với rất nhiều lí do. Bởi vậy mới có tình trạng mua membership 1 năm tập có 3 tháng. Nếu người ta không nhận thấy tính kinh tế, bản chất cần có của dịch vụ chăm sóc sức khỏe, từ bên trong đầu họ sẽ vang lên: "Tập vừa mệt, vừa tốn thời gian thì thôi tập làm chi, tiền để ăn, chơi cho sướng".
Khi đó, chẳng có lí do gì người ta không từ bỏ. Và khi đó, sẽ dẫn tới cuộc đua giảm giá chỉ càng làm giảm giá trị của ngành. Đây cũng là lí do, bài tập thể dục yêu thích nhất của người Việt hiện tại vẫn là đi bộ và nơi người Việt tập thể dục nhiều nhất vẫn là công viên.
Nhiệm vụ của một người PT, coach đúng nghĩa là phải giúp học viên, khách hàng giảm dần sự phụ thuộc vào người PT, coach đó để có thể tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bản thân. Và mục tiêu sâu xa bên trong cần hướng tới chính là khiến mọi người gắn bó với việc tập luyện hơn, yêu thích fitness lifestyle hơn. Nên việc cố kiếm thật nhiều tiền từ một người trong một giao dịch ngắn hạn không mang lại các giá trị bền vững và tốt đẹp, win-win, bằng việc mang lại tính kinh thế thực sự.
Nếu bạn quan tâm đến kiến thức huấn luyện chuyên sâu, dinh dưỡng mục tiêu, supplement coaching và theo đuổi Fitness lifestyle lâu dài, hãy bắt đầu hành trình của mình bằng cách gia nhập cùng Coach Vincent !
Comments